Đến năm 2030, cao tốc dài 90km nối 2 tỉnh ở Trung du và miền núi Bắc Bộ sẽ đi vào hoạt động

Theo báo Đầu Tư, UBND tỉnh Cao Bằng vừa đề nghị Bộ Giao thông vận tải đưa dự án cao tốc Bắc Kạn – Cao Bằng vào danh mục đầu tư công giai đoạn 2026-2030, đồng thời đảm nhận vai trò cơ quan chủ quản triển khai dự án.

Dự án đầu tư đường cao tốc Bắc Kạn – Cao Bằng có chiều dài 90km, trong đó đoạn qua Cao Bằng dài 30km với hướng tuyến cơ bản theo hướng Quốc lộ 3 hiện hữu.

Theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tuyến cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên – Bắc Kạn – Cao Bằng (CT07) là trục cao tốc hướng tâm, kết nối TP. Cao Bằng và TP. Bắc Kạn với Thủ đô Hà Nội. Đoạn từ Hà Nội đến huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn đã được đầu tư và đưa vào sử dụng. Bộ Giao thông Vận tải hiện đang thực hiện các thủ tục đầu tư cho đoạn từ Chợ Mới đến TP. Bắc Kạn và từ Bắc Kạn đến Cao Bằng.

Việc đầu tư cao tốc Bắc Kạn – Cao Bằng trong giai đoạn 2026-2030 phù hợp với Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, cũng như Quy hoạch vùng Trung du và miền núi phía Bắc giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

UBND tỉnh Cao Bằng đã đề nghị Bộ Giao thông vận tải làm chủ quản dự án và bố trí vốn đầu tư cho cao tốc Bắc Kạn – Cao Bằng. Trước đó, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn cũng đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, đề xuất đầu tư dự án này và kiến nghị Bộ Giao thông vận tải đưa vào danh mục dự án dự kiến đầu tư trong giai đoạn 2026-2030.

 

Đến năm 2030, cao tốc dài 90km nối 2 tỉnh ở Trung du và miền núi Bắc Bộ đi vào hoạt động
Dự án có chiều dài 90km. Ảnh minh họa

Dự án cao tốc Bắc Kạn – Cao Bằng là công trình hạ tầng đường bộ quan trọng, kết nối giữa cửa khẩu tỉnh Cao Bằng và Hà Nội, giảm khoảng 50km so với hành trình hiện tại qua Cao Bằng – Lạng Sơn – Bắc Giang – Bắc Ninh – Hà Nội. Tuyến đường cũng giúp giảm thời gian và chi phí di chuyển đến các cửa khẩu khu vực Đông Bắc như cửa khẩu Trà Lĩnh, cửa khẩu Tà Lùng.

Sau khi hoàn thành, cao tốc Bắc Kạn – Cao Bằng sẽ kết hợp với các tuyến cao tốc đã được đầu tư như CT.05, CT.09, và các tuyến đang được đầu tư như CT.10, CT.15, góp phần hoàn thiện hệ thống giao thông cao tốc khu vực miền Bắc, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của vùng.