Tranh thủ thời gian rảnh rỗi lúc chăm cháu, bà Thịnh cùng hai người bạn khác quyết định cải tạo bãi đất bỏ hoang phía sau chung cư để làm vườn trồng đủ loại rau sạch, yên tâm sử dụng suốt mùa dịch.
Xuất phát từ mong muốn có nguồn thực phẩm sạch sử dụng trong mùa dịch, đầu tháng 11/2020, bà Nguyễn Thị Thịnh (61 tuổi) rủ hai người bạn là bà Nguyễn Thị Thanh (61 tuổi) và bà Nguyễn Hường (56 tuổi) cùng khai hoang bãi đất trống phía sau chung cư để làm vườn, trồng rau.
Từ lúc trồng đến bây giờ, bà Thịnh, bà Thanh và bà Hường đã thu được gần 17 triệu đồng tiền bán rau.
Số tiền này được các bà dùng để mua cây giống, phân bón cho rau và cải tạo đất, chuẩn bị trồng trọt vụ tiếp theo.
Hiện 3 bà đang sống cùng con cháu tại một khu chung cư thuộc phường Phương Canh, quận Nam Từ Liêm.
Trước đó, ba bà sống ở các tỉnh gồm Lào Cai, Hải Dương và Nghệ An, đã vượt trăm cây số từ quê ra Hà Nội để chăm cháu, phụ giúp con cái. Khi dịch bùng phát, giá rau tăng đắt đỏ nên bà Thịnh cùng hai người hàng xóm tận dụng đất hoang để tự trồng trọt, chủ động nguồn thực phẩm sạch hàng ngày cho gia đình.
Ban đầu, mảnh đất rất khô cứng, cằn cỗi, chỉ toàn sỏi đá và mọc đầy cỏ dại. Bà Thịnh, bà Thanh và bà Hường phải phát quang, dọn cỏ, đốt rác rồi nhặt sạch đá suốt mấy ngày mới có thể cuốc đất và trồng rau.
Để rau nhanh cho thu hoạch, các bà ưu tiên những giống ngắn ngày và trồng theo mùa, mùa nào thức nấy. Mùa hè, thời tiết nắng nóng, những người “nông dân thành phố” chủ yếu trồng rau muống, mồng tơi, rau dền, rau cải hay lặc lè, mướp, bí xanh, bí đỏ.
Mùa đông, bà Thịnh chuyển sang trồng các giống cây ưa lạnh như bắp cải, súp lơ, cải cúc, cải ngọt, cải canh, xà lách, hành lá, rau mùi,… Hàng ngày, ngoài thời gian trông cháu, ba bà tranh thủ chút thời gian rảnh buổi sáng sớm và lúc xế chiều để xuống vườn, tưới nước và chăm sóc cho rau.
Mảnh đất lúc đầu khá rộng, khoảng 360m2 nhưng sau này, một phần diện tích được ủi đi làm bãi đỗ xe, còn hơn 200m2.
Thời gian mới làm vườn, các bà chủ yếu trồng ít rau để có nguồn thực phẩm sạch cho con cháu yên tâm sử dụng. Sau đó, các luống rau cho năng suất cao, gia đình dùng không hết nên ba bà bàn nhau đem bán cho các hộ dân khác trong chung cư.
Rau sạch, không phun thuốc hay hóa chất độc hại mà giá lại bình dân nên được mọi người ủng hộ nhiệt tình.
Làm vườn dưới mặt đất thường có nhiều côn trùng gây hại nên có những buổi tối, các bà tranh thủ soi đèn, bắt từng con sâu hay ốc sên.
Có đợt rau bị sâu phá hỏng hết, không thu được lứa nào, ba bà phải bỏ đi trồng lại. Tuy có vất vả nhưng thấy con cháu có rau sạch sử dụng, lại tiết kiệm được một khoản chi phí đi chợ hàng ngày nên các bà cố gắng vun vén từng gốc rau.
Suốt mùa dịch, cả ba gia đình thoải mái dùng rau sạch, đảm bảo an toàn sức khỏe mà không cần đi chợ mua. Không chỉ chủ động được nguồn thức ăn tươi ngon tại chỗ, bà Thịnh, bà Thanh và bà Hường còn cảm thấy sức khỏe cải thiện hơn, tinh thần sảng khoái và vơi bớt nỗi nhớ quê nhà.