Xuất phát từ mong muốn có nguồn thực phẩm sạch cho con ăn dặm và gia đình sử dụng trong mùa dịch, chị Khuyên tự tay cải tạo đất, làm vườn 140m2 trồng đủ loại rau trái.
Chị Phan Khuyên (31 tuổi, sống ở thành phố Buôn Mê Thuột, tỉnh Đắk Lắk) từng có thời gian phụ mẹ chồng chăm hai luống rau khi mới về làm dâu. Tháng 7/2020, khi hai vợ chồng chào đón thêm thành viên nhí mới, lo ngại rau mua ngoài chợ không đảm bảo nên chị tự làm khu vườn riêng, trồng đủ loại rau củ quả.
Chị mong muốn chủ động được nguồn thực phẩm sạch, an toàn hàng ngày để chế biến những bữa ăn lành mạnh, đủ dinh dưỡng cho con và cả gia đình. Đồng thời, việc trồng trọt tại gia còn giúp các thành viên yên tâm ở nhà chống dịch, hạn chế ra ngoài mà vẫn có rau trái sum suê để sử dụng.
Ban đầu, chị Khuyên trồng ít rau ngắn ngày, dễ chăm sóc như xà lách, mồng tơi, và cải, hành. Càng làm càng ham, nữ nhân viên văn phòng quyết định trồng thêm nhiều loại rau khác, phủ xanh cả một góc vườn.
“Mỗi lần trồng được một loại cây mới, mình lại càng thêm yêu màu xanh của vườn rau. Quan trọng nhất là mình thấy hạnh phúc, yên tâm khi chồng con có những bữa ăn ngon miệng từ rau sạch trong vườn nhà”, chị Khuyên tâm sự.
Khu vườn của gia đình chị Khuyên rộng 140m2. Rau củ quả được trồng trực tiếp xuống đất. Gia chủ làm thêm giàn cho các cây thân leo như khổ qua (mướp đắng), dưa chuột, bầu, bí, đậu cove, cà chua leo,…
Ở Buôn Mê Thuột có hai mùa mưa và nắng, chị ưu tiên trồng rau theo mùa, mùa nào thức nấy để hạn chế được sâu bệnh và nhanh cho thu hoạch và không tốn nhiều công chăm sóc.
Vào mùa nắng, chủ nhân khu vườn chủ yếu trồng bắp sú, củ cải đỏ, khoai tây, đậu cove, cà rốt, cải hoa hồng, cải thìa, cải cay, cải mù tạt, dưa leo, khổ qua. Ngoài ra, chị còn bố trí một số loài hoa dễ trồng như hoa cúc, cúc vạn thọ,… giúp tô điểm cảnh quan xung quanh.
Sang mùa mưa, trong vườn có nhiều loại rau như xà lách xoăn xanh, xà lách tím, xà lách hoa hồng, cải thìa tím, cải cay, cà chua, khoai môn, bí, mướp và một số giống rau gia vị, rau thơm.
Trước đây, chị Khuyên là người phụ nữ bận rộn với công việc, chăm sóc con cái và yêu thích làm đẹp cho bản thân. Khi bắt tay vào trồng trọt, chị không hề có chút kinh nghiệm nào, đến việc phân biệt từng giống rau cũng thấy khó khăn.
Nhưng nghĩ đến các bữa ăn lành mạnh cho gia đình, chị không ngần ngại lên mạng tìm hiểu, học hỏi kiến thức từ đồng nghiệp, những người đi trước có cùng đam mê. Sau một thời gian, chị “dắt túi” được chút kiến thức như kỹ thuật trộn và xử lý đất, sử dụng phân bón sạch cho rau,… rồi dần đúc rút kinh nghiệm từ thực tiễn để làm vườn, trồng trọt hiệu quả hơn.
Người phụ nữ trẻ tiến hành trộn đất với trichoderma, phơi đất liên tục giúp tình trạng nấm giảm hẳn. Chị cũng lấy lại tinh thần, chăm sóc vườn khoa học hơn nên rau trái sum suê, không còn bị sâu bệnh. Ngay cả gia đình và hàng xóm xung quanh cũng ngạc nhiên khi nhìn thấy thành quả lao động mà chị Khuyên vun vén suốt nhiều tháng qua.
Mỗi vụ thu hoạch xong, chị trộn trichoderma vào đất, phơi tầm 10 ngày rồi trộn tiếp với trấu, phân gà và trùn quế. Sau khi xuống giống được 5 ngày, gia chủ lại hòa trùn quế và phân gà, tưới xen kẽ mỗi tuần một lần.
Sau một năm làm vườn, chị Khuyên không chỉ trau dồi được nhiều kinh nghiệm trồng trọt quý giá mà còn gặt hái được thành quả lao động là những luống rau, giàn cây lấy trái xanh tốt, sum suê.
“Ngày đầu làm vườn, mình trồng vài loại rau đơn giản rồi dần dần tăng số lượng rau đa dạng hơn. Càng trồng, mình càng bị cuốn hút bởi hình ảnh vườn rau xanh mướt, phủ lớp sương lúc ban mai. Khu vườn giống như nguồn năng lượng dồi dào cho ngày mới, khiến mình mong ngóng mỗi ngày, nhìn chúng lớn lên chẳng khác gì chăm con nhỏ.
Cũng nhờ làm vườn mà mình được giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm với những người bạn, anh chị có chung đam mê, tạo thêm niềm vui để thấy mỗi ngày trôi qua thật ý nghĩa. Mình cũng hy vọng lan tỏa được tinh thần làm vườn tới mọi người để nhiều gia đình chủ động được thực phẩm sạch trong mùa dịch, hạn chế ra ngoài hay đi lại, chung tay đẩy lùi Covid-19”, chị Khuyên bày tỏ.