Những ngày cuối tuần rảnh rỗi, gia đình chị Thanh Nhàn lại cùng nhau trở về ngôi nhà thứ hai ở Chương Mỹ, Hà Nội để thảnh thơi tận hưởng không khí trong lành, dịu dàng của thiên nhiên xanh mát.
Với mọi thành viên trong gia đình chị Thanh Nhàn, cuộc sống “ở quê” thật nhiều thú vị. Chốn quê ấy có lũy tre xanh, có con đường nhỏ ngoằn ngoèo, có mái ngói đỏ đã phủ màu rêu phong.
Ở quê, mọi người đón cái gió heo heo sớm mùa hè, ăn sáng như ăn trưa rồi cùng nhau dọn dẹp, rửa bát, quét sân, ngó nghiêng ao chuôm…
Ở đó, mọi người có thể thong thả ngắt tí cỏ dại trong vườn chêm vào lọ, thế là có mấy góc hoa trong nhà ưng ý, cũng nghe rõ hơn tiếng ve kêu râm ran, tụi trẻ chờ ngớt nắng rồi bắt giun xách cần ra ao câu cá.
Căn nhà với những thân quen và bình yên cây cỏ.
Về núi, tụi nhỏ không có nhu cầu ngủ trưa, canh người lớn chợp mắt là phi đi nghịch, cũng kệ dãi nắng cho đen nhem nhẻm màu quê khỏe khoắn để tận hưởng một mùa hè trọn vẹn. Cảm xúc ấy không chỉ với chị Thanh Nhàn, mà với tất cả những ai có dịp đến thăm ngôi nhà của chị, đều thấy yên bình và nhớ nhung.
Không gian đẹp bởi những gì giản dị nhất.
Không gian sân vườn được chị Nhàn trang trí, thiết kế bình dị.
Lối đi rêu phong.
Mảnh đất rộng rãi này được gia đình chị Thanh Nhà mua cách đây 16 năm trước. Chú ruột chồng chị là nhà điêu khắc Khúc Quốc Ân đã tìm đến xóm núi này, chọn mua mảnh đất trên đỉnh núi đầu tiên từ năm 2005. Chú cũng trực tiếp là người quy hoạch, xây dựng giai đoạn đầu căn nhà sàn cùng nhà ba gian để gia đình chú sinh sống cố định, cũng là nơi để bố mẹ chị và gia đình chị trở về mỗi dịp cuối tuần.
Sau nhiều năm bận rộn với công việc, ngôi nhà cũng dần bị hoang hóa, thủng mục sàn và mái chỉ giữa lại được khung. Vì thế, chị Nhàn đã trao đổi với chú để lên ý tưởng quy hoạch. Năm 2017, gia đình chị sửa sang, xây dựng thêm và trùng tu toàn bộ.
Ngõ nhỏ vào nhà.
Ngôi nhà ba gian ẩn mình trong khu vườn xanh mát.
Mít là một trong những loại cây ăn quả được trồng khá nhiều ở khu vực Chương Mỹ, Hà Nội.
Những luống rau, bụi cây được trồng và chăm sóc cẩn thận.
Điều tuyệt vời chính là ngôi nhà, mảnh vườn nằm ở đỉnh núi Sơn Đồng, Chương Mỹ, là khu ngoại ô Hà Nội có mật độ cây lâu năm (có những cây hàng trăm tuổi) rất cao, đặc biệt là mít, nhãn, sấu, trám đen, trám xanh…
Vì thế khi cải tạo, chị ưu tiên tối ưu các không gian sinh hoạt, tiện ích xen kẽ các mảng cây sao cho không được chặt hạ cây. Khi xung quanh nhà phủ xanh đã rất lớn thì trong nhà cần có độ thở. Chị thường sắp xếp đồ đạc tối giản, ngăn nắp, gọn gàng và không tạo mảng xanh bên trong vì mở cửa sổ hay đánh mắt ra hiên đã có thể ngắm trọn vẻ đẹp xanh mát của vườn tược.
Bên trong ngôi nhà với thiết kế giản dị.
Bệ cửa sổ bên trong để dễ dàng phóng tầm nhìn ra vườn.
Mít sai quả.
Một góc trồng ngô sắn.
Những luống rau tốt tươi.
Với nếp nhà được thiết kế theo miền quê Bắc Bộ, không gian sân vườn cũng tạo được nếp sống vô cùng thú vị. Mọi người trở về căn nhà thứ hai có thể trồng rau, chăm rau, nuôi gà, thả cá, hái quả sai trĩu ngọn với mùa nào thức ấy. Bọn trẻ được vầy đất làm vườn, được đi chân đất, chơi các trò chơi dân gian xưa giữa khu cảnh ngát xanh, bầu không khí trong lành như ô ăn quan, chơi rồng rắn lên mây, mèo đuổi chuột…
Bố mẹ cũng được tranh thủ 1 – 2 ngày “về nhà” quần xắn câu cá trồng rau. Rồi cả nhà cùng làm bữa nướng hay quây quần bên mâm cơm quê buổi chiều ở hiên nhà dưới tán cây mát rượi. Chiều mẹ hái lá trong vườn đun nước tắm, gội đầu bồ kết hay dịp truyền thống thì được cùng bố mẹ, cô chú quản gia chia gói và canh bánh chưng…
Những trải nghiệm ấy đủ để giúp chị Nhàn cùng các thành viên trong nhà yêu hơn cuộc sống thật chậm, thật ý nghĩa nơi thôn quê, cuộc sống mà tuổi thơ của các bạn nhỏ nên được trải nghiệm.
Không gian ngập tràn màu nắng và màu của thiên nhiên.
Chị Thanh Nhàn quy hoạch lại toàn bộ 1000m2 cho vườn rau, mua thêm đất màu cải tạo, nuôi giun trùn quế để lấy phân tự nhiên bón cho vườn. Chị hoàn toàn chăm sóc khu vườn bằng các biện pháp tự nhiên không phân hóa học nên rau tốt tươi, hoa rực rỡ. Vườn cũng nhiều nắng nên các loại cây ăn quả đều ngon ngọt hơn.
Trong vườn được chị Nhàn trồng thêm nhiều ngô, khoai, sắn, rau gia vị, rau cải, muống, bồ công anh, ớt, mướp, bầu bí… Bên cạnh đó còn có các luống cây thuốc cổ truyền để làm những bài thuốc dân gian đơn giản như nhọ nồi, ngải cứu, gừng, xả…
Thanh long.
Góc trồng bưởi.
Khu vực thưởng trà bên hiên nhà.
Đốt bồ kết tỏa hương dịu dàng trong gió chiều.
Cùng nhau thong dong câu cá.
Những góc nhỏ trong vườn.
Ao cá được thả cá và bèo tây. Cá được nuôi bằng những nguyên liệu tự nhiên như rau, cơm nguội, bún… Gà quê xóm núi cũng là điều đặc biệt bởi nhà chị nuôi 100 con mỗi đợt, nuôi thả trong vườn nhà. Vì thế, những bữa cơm quê khi trở về căn nhà nhỏ cùng mảnh vườn rộng chính là hạnh phúc trọn vẹn của mọi người trong gia đình chị. Mọi thứ đều “tự cung tự cấp” với cây nhà lá vườn, vừa tươi ngon vừa đảm bảo cho sức khỏe.
Ngôi nhà nhỏ không chỉ là chốn bình yên để cả nhà trở về sau những ngày bận rộn, tất bật với cuộc sống đô thị mà còn là nơi để mời bạn bè “đổi gió”. Đến đây, mọi người thường có cùng một cảm nhận đầu tiên, chính là một chỗ trú ẩn “yên bình”.
Mọi người có cơ hội được “sống chậm” trong không gian thoáng đãng, xanh mát, không khí trong lành. Lũ trẻ được trải nghiệm cuộc sống của cha mẹ ông bà ngày xưa, chằng có tivi hay điện thoại, để rồi biết yêu thiên nhiên hơn, học cách bảo vệ môi trường hơn. Bố mẹ cũng được dịp nghỉ ngơi thư giãn, và đôi khi ngắm các con chơi đùa cũng là khi bố mẹ được trở về tuổi thơ êm đềm của chính mình.
Nguồn ảnh: NVCC