Dự án khu đô thị mới Bắc Đại lộ Lê Lợi, thành phố Thanh Hóa (tỉnh Thanh Hóa) được cơ quan chức năng xác định giao thừa 26.872m2 đất ở, nằm ngoài cơ chế đổi đất lấy hạ tầng.
Dự án khu đô thị mới Bắc Đại lộ Lê Lợi, phường Đông Hương, TP Thanh Hóa được chủ tịch UBND tỉnh chấp thuận đầu tư từ năm 2004, theo phương thức sử dụng quỹ đất để tạo vốn xây dựng cơ sở hạ tầng Khu công nghiệp Tây Bắc Ga Thanh Hóa.
Sau khi có chấp thuận đầu tư, UBND tỉnh Thanh Hóa ra quyết định thu hồi hơn 477.000m2 đất tại xã Đông Hương (nay là phường Đông Hương, TP Thanh Hóa) để giao Công ty TNHH Xây dựng và sản xuất vật liệu xây dựng Bình Minh (Công ty Xây dựng Bình Minh) xây dựng khu đô thị mới Bắc Đại lộ Lê Lợi.
Ngày 19/5/2004, tỉnh Thanh Hóa phê duyệt mức thu tiền sử dụng đất để giao cho nhà đầu tư xây dựng hạ tầng Khu công nghiệp Tây Bắc Ga, tổng diện tích hơn 477.000m2, diện tích có thu tiền sử dụng đất là 172.936m2.
Ngày 24/5/2004, tỉnh Thanh Hóa phê duyệt quy hoạch xây dựng chi tiết dự án khu đô thị mới Bắc Đại lộ Lê Lợi, tổng diện tích không đổi, tuy nhiên đất xây dựng nhà ở lại tăng lên 199.808m2.
Năm 2009, Thanh tra tỉnh Thanh Hóa có kết luận số 31, xác định diện tích đất ở được giao theo cơ chế đổi đất lấy hạ tầng theo công văn ngày 19/5/2004 của tỉnh là 172.936m2. Diện tích phê duyệt quy hoạch xây dựng chi tiết 199.808m2 là không đúng. Do đó, đề nghị thu lại 26.872m2 nằm ngoài cơ chế đổi đất lấy hạ tầng.
Sau khi có kết luận, UBND tỉnh đã giao cho TP Thanh Hóa có trách nhiệm làm việc với Công ty Xây dựng Bình Minh để tiếp nhận, quản lý đối với phần diện tích đất giao thừa trên.
Vì sao tỉnh không ra quyết định thu hồi?
Theo báo cáo do ông Lê Anh Tuấn, Phó Bí thư Thành ủy TP Thanh Hóa, gửi Chủ tịch UBND tỉnh tháng 8/2024, UBND thành phố đã nhiều lần ban hành văn bản mời làm việc, tuy nhiên Công ty Xây dựng Bình Minh không hợp tác và liên tục có văn bản kiến nghị không đồng thuận với việc bàn giao trên.
Đại diện chủ đầu tư – Công ty Xây dựng Bình Minh, lý giải, phía công ty không đồng thuận với việc trên là căn cứ quy định vào điều 27 Nghị định 69 năm 2009 của Chính phủ bổ sung về quy hoạch sử dụng đất, giá đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư, thì các quy định chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 là cơ sở giao đất cho công ty Bình Minh từ năm 2004.
Cũng theo đại diện chủ đầu tư, tại Công văn số 1814 năm 2019 của Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ TN-MT) gửi Sở TN-MT Thanh Hóa về việc hướng dẫn cơ sở xác định quỹ đất thanh toán cho nhà đầu tư theo cơ chế đổi đất lấy hạ tầng, thì diện tích giao đất cho chủ đầu tư là tổng diện tích đất theo quy hoạch chi tiết xây dựng đã được UBND tỉnh phê duyệt.
Về cơ chế thanh toán, theo quy định tại Quyết định số 22/2003 của Bộ Tài chính trong việc sử dụng quỹ đất tạo vốn xây dựng cơ sở hạ tầng, thì: “Trường hợp giá trị quỹ đất giao cho nhà đầu tư lớn hơn giá trị công trình của dự án thì nhà đầu tư phải nộp phần chênh lệch bằng tiền vào ngân sách nhà nước. Trường hợp giá trị quỹ đất giao cho nhà đầu tư nhỏ hơn giá trị công trình dự án thì ngân sách địa phương thanh toán trả cho nhà đầu tư phần chênh lệch”.
Theo nguồn tin của VietNamNet, phần diện tích đất giao thừa được Thanh tra tỉnh kết luận từ năm 2009, nhưng đến nay thành phố khó có thể tiếp nhận. Nguyên nhân là bởi trước đó, UBND tỉnh đã có quyết định thu hồi, giao đất cho nhà đầu tư.
“Về lý, các văn bản chỉ đạo thành phố chỉ là về mặt chủ trương. Theo quy định của luật, tỉnh trước đó có quyết định giao đất cho nhà đầu tư thì phải có quyết định thu hồi và bàn giao cho thành phố, khi đó thành phố mới tiếp nhận được. Đến nay, tỉnh chưa thể ra quyết định thu hồi là do vướng về mặt pháp lý”, nguồn tin cho hay.