Nhà máy lọc dầu đầu tiên của Việt Nam rộng bằng 1.200 sân bóng đá: Tổng đầu tư 40.000 tỷ đồng, ‘ngốn’ 17.000 tấn thép – đủ để xây 2 tòa tháp Eiffel

Được xây dựng năm 2005, đây là nhà máy lọc dầu đầu tiên của Việt Nam, đồng thời cũng là nhà máy lọc dầu lớn thứ 2 cả nước hiện nay.

Công trình thế kỷ của Việt Nam

Nhà máy lọc dầu Dung Quất (nằm tại Khu kinh tế Dung Quất, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) nổi bật giữa cảnh quan của những dãy núi nhấp nhô và biển xanh biếc. Nhìn từ trên cao, nhà máy hiện lên sừng sững với các tầng thép cao, những đường ống chạy ngang dọc, các bồn chứa xăng và dầu thô màu trắng, cùng với bến cảng nơi các tàu neo đậu.

Đây là nhà máy lọc dầu đầu tiên của Việt Nam, đồng thời cũng là nhà máy lọc dầu lớn thứ 2 cả nước hiện nay.

Nhà máy lọc dầu Dung Quất nhìn từ trên cao. Ảnh: Báo Lao Động

Nhà máy lọc dầu Dung Quất nhìn từ trên cao. Ảnh: Báo Lao Động

Thủ tướng Võ Văn Kiệt là người ký quyết định về địa điểm xây dựng Nhà máy lọc dầu số 1 Dung Quất, vào năm 1994 trong giai đoạn ông làm Thủ tướng (1991-1997). Tuy vậy, dự án chỉ được chính thức khởi công vào ngày 28/11/2005.

Nhà máy lọc dầu Dung Quất được xây dựng với tổng mức đầu tư là hơn 3 tỷ USD (khoảng 40.000 tỷ đồng, theo tỷ giá tại thời điểm xây dựng), có chủ đầu tư là Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam, nay là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam – PetroVietnam.

Hợp đồng chính xây dựng Nhà máy lọc dầu Dung Quất đã được Tập đoàn Dầu khí Việt Nam ký với Tổ hợp nhà thầu Technip gồm: Technip (Pháp), Technip (Malaysia), JGC (Nhật Bản) và Tecnicas Reunidas (Tây Ban Nha).

Thời điểm đó, đây được coi là công trình thế kỷ, lớn nhất nước với khối lượng công việc khổng lồ. Ảnh: Anh Nguyễn/TTXVN

Thời điểm đó, đây được coi là công trình thế kỷ, lớn nhất nước với khối lượng công việc khổng lồ. Ảnh: Anh Nguyễn/TTXVN

Ông Bruno Le Roy, Giám đốc công trường thuộc Tổ hợp nhà thầu Technip từng cho biết, dù đã có kinh nghiệm xây dựng và thiết kế các nhà máy tại nhiều nước trên thế giới, song khi triển khai tại Việt Nam cũng gặp không ít khó khăn. Hạ tầng không đảm bảo, dự án được thực hiện tại vùng xa xôi hẻo lánh, mọi vật tư thiết bị đều phải chuyển đến từ Hà Nội, TP. HCM và các thành phố khác…

Tuy nhiên, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng và Chính phủ, các bộ ngành và cơ quan Trung ương, sự phối hợp chặt chẽ của tỉnh Quảng Ngãi, cộng với những nỗ lực vượt bậc của chủ đầu tư cùng hàng vạn cán bộ, kỹ sư, chuyên gia, công nhân thuộc các nhà thầu trong nước và quốc tế, Nhà máy lọc dầu Dung Quất đã được xây dựng hoàn thành và đưa vào vận hành đúng tiến độ. Ngày 22/2/2009, dòng sản phẩm xăng dầu “made in Việt Nam” đầu tiên được ra lò.

Nhà máy lọc dầu Dung Quất tỏa sáng lung linh trong đêm. Ảnh: Znews

Nhà máy lọc dầu Dung Quất tỏa sáng lung linh trong đêm. Ảnh: Znews

Trong suốt 44 tháng xây dựng, chủ đầu tư cùng với các nhà thầu đã thực hiện một khối lượng công việc khổng lồ, bao gồm: Tham gia thực hiện gói thầu EPC 1+4 và 2+3 ngoài tổ hợp nhà thầu chính Technip còn có 47 nhà thầu phụ và 151 nhà thầu phụ thứ cấp. Hơn 1.000 chuyên gia của nhà thầu và hàng trăm cán bộ giám sát thiết kế của chủ đầu tư và nhà thầu tư vấn quản lý dự án được huy động làm việc liên tục trong nhiều tháng tại 4 trung tâm trên thế giới.

Khu bồn chứa dầu thô lọc dầu Dung Quất. Ảnh: Znews

Khu bồn chứa dầu thô lọc dầu Dung Quất. Ảnh: Znews

Tài liệu thiết kế chi tiết và bản vẽ kỹ thuật phục vụ chế tạo, xây lắp được phê duyệt lên đến hàng triệu bản. Số kỹ sư và công nhân tham gia gói thầu vào khoảng 14.000 đến 15.000 người đến từ 30 quốc gia. Các nhà thầu Việt Nam đảm nhận khoảng 75% khối lượng công tác xây lắp trên công trường. Tổng số giờ công thi công trên công trường đạt khoảng gần 66 triệu giờ.

Để mô tả khối lượng công việc lớn của gói thầu EPC 1+4 và 2+3, tổng thầu của Technip đã so sánh: “Tổng số tài liệu thiết kế và sổ tay vận hành chất đầy khoảng 100 xe tải; diện tích các gói thầu chính xấp xỉ 600ha, tương đương với 1.200 sân bóng đá; hơn 150.000 tấn vật tư, thiết bị, tương đương với một triệu xe máy; trên 5 triệu mét dây cáp điện, đủ để căng 2 lần từ Hà Nội đến TP. HCM; gần 17.000 tấn thép các loại, đủ để xây dựng 2 tháp Eiffel; một nhà máy điện công suất trên 100 Megawatt đủ dùng cho cả TP. Quảng Ngãi”.

Công trình chắn sóng trong vịnh Dung Quất. Ảnh: Znews

Công trình chắn sóng trong vịnh Dung Quất. Ảnh: Znews

Gói thầu 5A – Đê chắn sóng, đã nạo vét và thay thế trên 1,2 triệu mét khối cát và đá, thi công đổ 1.568.000m3 đá thân đê, đúc và lắp đặt 21.472 cấu kiện bê tông phá sóng Accropode.

Gói thầu 5B – Cảng xuất sản phẩm, đã thi công 2.238 cọc đỡ cầu cảng, trong đó có 821 cọc khoan và hạ vào đá gốc, 1.417 cọc đóng; đúc và lắp đặt 168 dầm dự ứng lực, đổ trên 48.000m3 bê tông sàn cầu dẫn.

Về cơ cấu sản phẩm, việc chỉnh sửa thiết kế tổng thể đã cho phép nhà máy sản xuất ra cơ cấu sản phẩm mới có chất lượng cao hơn, đón đầu và cạnh tranh được với thị trường xăng dầu trong khu vực cũng như trên thế giới.

Đối với nhân lực vận hành, công tác đào tạo do chủ đầu tư thực hiện bắt đầu từ năm 2006 và hoàn thành vào giữa năm 2007. Công tác đào tạo của nhà thầu gói thầu EPC số 1+2+3+4 tiến hành vào năm 2007 và kéo dài đến giai đoạn chạy thử nhà máy.

Các chuyên gia, kỹ sư kiểm tra các hạng mục, phân xưởng công nghệ Nhà máy lọc dầu Dung Quất. Ảnh: Znews

Các chuyên gia, kỹ sư kiểm tra các hạng mục, phân xưởng công nghệ Nhà máy lọc dầu Dung Quất. Ảnh: Znews

Để đảm bảo tốt công tác đào tạo nhân lực vận hành nhà máy lọc dầu, Thủ tướng Chính phủ đã cho phép Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam tổ chức đấu thầu để chọn nhà thầu cung cấp dịch vụ đào tạo và trợ giúp vận hành trong giai đoạn chạy thử Nhà máy lọc dầu Dung Quất. Đã có 1.046 kỹ sư và công nhân kỹ thuật được đào tạo ở trong nước và nước ngoài để vận hành nhà máy theo đúng kế hoạch, trong đó có 510 kỹ sư và công nhân kỹ thuật là người Quảng Ngãi, chiếm tỷ lệ 48,75%.

Công trình góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia

Trước đây, khi chưa có Nhà máy lọc dầu Dung Quất, sau khi khai thác được dầu thô, Việt Nam sẽ phải bán cho các nước có ngành lọc, hóa dầu phát triển và mua lại các sản phẩm xăng, dầu… đã được lọc từ họ. Việc này giống như việc “bán thô, mua tinh”, đồng nghĩa với việc bán rẻ, mua đắt. Điều này gây khó khăn trong việc dự trữ ngoại hối của đất nước và quan trọng hơn là không tự chủ được an ninh năng lượng quốc gia.

Đến nay, Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn – BSR (đơn vị tiếp nhận, quản lý, vận hành Nhà máy lọc dầu Dung Quất) đã đánh giá 89 loại dầu thô tiềm năng cho nhà máy và đã chế biến thử nghiệm thành công 32 loại dầu thô trong, ngoài nước thay thế một phần dầu thô Bạch Hổ đang giảm dần và cũng đánh giá được thêm 2 loại nguyên liệu trung gian mới (SR LSFO và VGO) để đưa vào chế biến. Tỷ lệ dầu thô nhập ngoại đưa vào chế biến hằng tháng tại Lọc hóa dầu Bình Sơn hiện nay lên đến 40% tổng lượng dầu thô nguyên liệu vào phân xưởng CDU.

Phòng điều khiển trung tâm Nhà máy lọc dầu Dung Quất. Ảnh: PetroTimes

Phòng điều khiển trung tâm Nhà máy lọc dầu Dung Quất. Ảnh: PetroTimes

Ngoài các sản phẩm truyền thống như xăng RON A92/95, dầu Diesel, khí Propylene và hạt nhựa Polypropylene, khí hóa lỏng (LPG), dầu hỏa, nhiên liệu phản lực Jet A1 và dầu nhiên liệu (FO), BSR đã nghiên cứu sản xuất và xuất bán thành công 7 sản phẩm nhiên liệu mới gồm Marine FO, Treated LCO, xăng RFCC, MixC4; 3 sản phẩm cho quốc phòng (JetA-1K, ADO-L62, Xăng A80) và 7 sản phẩm hạt nhựa PP mới.

Tháng 1 năm nay, sau 15 năm đi vào hoạt động, Nhà máy lọc dầu Dung Quất đã chính thức cán mốc chế biến thành công hơn 100 triệu tấn dầu thô và nguyên liệu. Trong đó, có hơn 85,5 triệu tấn là dầu thô trong nước và 15,7 triệu tấn dầu thô nhập khẩu, còn lại là nguyên liệu khác.

Nhà máy được ví như “hòn đá tảng” góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Ảnh: Báo Người Lao Động

Nhà máy được ví như “hòn đá tảng” góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Ảnh: Báo Người Lao Động

Tính từ năm 2009 đến đầu năm nay, tổng doanh thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh của Nhà máy lọc dầu Dung Quất hơn 1,57 triệu tỷ đồng, đóng ngân sách Nhà nước khoảng 220.000 tỷ đồng, có lợi nhuận sau thuế đạt trên 49.200 tỷ đồng.

Không chỉ vậy, nhà máy này đã đưa Quảng Ngãi từ một tỉnh nghèo, ngân sách phụ thuộc vào sự hỗ trợ của Trung ương trở thành tỉnh có đóng góp lớn cho ngân sách, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.