“Đất lọt khe” khiến nhà đầu tư nhiều kinh nghiệm cũng phải dè chừng

Dù “đất lọt khe” có nhiều ưu điểm nhưng không ít nhà đầu tư bất động sản vẫn cho rằng việc xây dựng trên đất này dễ phát sinh các bất cập, khả năng sinh lời từ đầu tư là không lớn.

“Đất lọt khe” có giá cao

“Đất lọt khe” được hiểu và mô tả một cách dễ hiểu là lô đất bị kẹt giữa hai ngôi nhà đã xây dựng cao tầng. Theo nhiều nhà đầu tư nhiều kinh nghiệm, đất “lọt khe” thường nằm ở các khu vực đông đúc dân cư và có những ưu điểm, nhược điểm khác nhau.

Có hơn 20 năm kinh nghiệm đầu tư bất động sản, anh Dương Văn Trọng, ở quận Hoàng Mai (Hà Nội) chia sẻ, đối với “đất lọt khe” thường hấp dẫn người mua ở. Bởi, loại đất này thường có vị trí tại các khu đông dân cư, có hạ tầng tiện ích đầy đủ và số lượng khan hiếm.

Ngoài ra, theo anh Trọng, khi xây nhà trên “đất lọt khe”, chủ nhà sẽ hạn chế chi phí xây dựng để trát, sơn các mặt tường có nhà tiếp giáp. Chủ nhà cũng không phải xây thêm hàng rào kiên cố để bảo vệ sự an toàn cho ngôi nhà của mình vì khu vực đã đông người.

“Việc giảm các chi phí trên là lợi thế mà đất xen kẹt đem đến cho người mua đất”, anh Trọng khẳng định. 

Đất lọt khe khiến nhà đầu tư nhiều kinh nghiệm cũng phải dè chừng - 1
Một lô “đất lọt khe” ở huyện Thanh Trì, TP Hà Nội được rao bán thời gian gần đây (Ảnh: Hà Phong).

Tuy nhiên, theo anh Trọng, bên cạnh những ưu điểm, thì nhược điểm của những lô “đất lọt khe” cũng không phải ít. Đơn cử, do đất này khan hiếm, giá bán cũng khá là cao. Bên cạnh đó, quá trình người dân xây dựng nhà trên “đất lọt khe” sẽ dễ phát sinh nhiều vấn đề bất cập.

“Khi xây dựng ở giữa hai nhà, lô “đất lọt khe” rất dễ xảy ra tình trạng chênh lệch diện tích so với giấy tờ, do mốc giới các nhà đã xây có thể bị xê dịch. Đồng thời, việc xây nhà, ít nhiều sẽ ảnh hưởng tới hai nhà bên cạnh, dễ xảy ra rủi ro phải đền bù…”, anh Trọng dẫn chứng.

Còn theo một số người có kinh nghiệm trong xây dựng, việc xây dựng nhà trên “đất lọt khe” dễ bị thấm nước mưa tại bức tường tiếp giáp. Việc sơn chống thấm đảm bảo cho bức tường là không thể thực hiện.

Nhà đầu tư dè chừng với “đất lọt khe”

Theo giới đầu tư bất động sản đánh giá, “đất lọt khe” hoàn toàn không phải lô đất “vàng”. Không phải cứ đầu tư vào “đất lọt khe” là đều có lãi, thậm chí cũng có trường hợp những lô đất kiểu này bị “ế” trong nhiều năm trời.

Đồng quan điểm với anh Trọng, anh Nguyễn Huy Thực – một nhà đầu tư bất động sản ở Hà Nội – cho rằng, những lô “đất lọt khe” phù hợp với người mua ở thực. Nhưng đối với nhà đầu tư, “đất lọt khe” không phải “miếng bánh” dễ ăn.

“Giá cao là bất lợi lớn nhất cho nhà đầu tư khi lựa chọn “đất lọt khe”. Người mua ở thực có thể chấp nhận mức giá ngang ngửa hoặc cao hơn không nhiều so với thị trường, điều này sẽ ảnh hưởng tới kỳ vọng sinh lời của nhà đầu tư”, anh Thực nói.

Đất lọt khe khiến nhà đầu tư nhiều kinh nghiệm cũng phải dè chừng - 2

Nhà đầu tư dè chừng với đất “lọt khe” (Ảnh minh họa: Hà Phong).

Ngoài ra, theo anh Thực, các yếu tố pháp lý hay quá trình phát sinh bất cập trong quá trình xây dựng trên “đất lọt khe” cũng là một điểm trừ khiến người mua không “xuống tiền”. Và rõ ràng, điều trên sẽ ảnh hưởng tới thanh khoản của loại hình này.

“Nhà đầu tư thường phải cân nhắc và tìm hiểu rất kỹ các yếu tố pháp lý đối với “đất lọt khe” trước khi quyết định đầu tư. Trong đó, diện tích lô đất này phải đảm bảo đủ, đúng với Giấy chứng nhận quyền sử dụng, để tránh phát sinh tranh chấp, khó thanh khoản”, anh Thực chia sẻ.

Cũng theo anh Trọng và một số nhà đầu tư bất động sản chuyên nghiệp khác cũng thừa nhận, việc đầu tư vào “đất lọt khe” không hề dễ. Mặt bằng giá khu vực đông dân cư sẽ không có biến động nhiều và thường ở mức cao.

“Người sở hữu lô “đất lọt khe” sẽ đưa ra mức giá cao, vì cho rằng ở đây đang khan hiếm. Do đó, nếu nhà đầu tư mua vào giá cao thì cũng rất khó tìm được khách mua để chốt lời”, anh Trọng nói.

Đưa ra lời khuyên với người mua “đất lọt khe” xây nhà, các nhà đầu tư trên cho rằng, cần đo đạc kỹ càng lô đất trước khi mua cũng như khi chính thức xây dựng. Lý do là vì nhà hàng xóm đã thi công xây dựng từ trước nên không loại trừ trường hợp họ đã cố tình xây lấn chiếm sang lô đất.

Tiếp đó, cần chọn nhà thầu có kinh nghiệm và uy tín tiến hành thi công nhà ở. Nếu có điều kiện hơn thì nên thuê kiến trúc sư thiết kế để ngôi nhà phù hợp nhất với địa thế mảnh đất cũng như không ảnh hưởng đến tường và móng nhà hàng xóm trong quá trình thi công.