Ngày 13/8, hai nữ nông dân Mỹ tiêu biểu là Jennifer Schmidt và Jaclyn Wilson đã có chuyến thăm, trao đổi cùng các nữ nông dân tiêu biểu tại huyện Sóc Sơn, Hà Nội. Đây là một phần trong chuỗi hoạt động do Bộ NNPTNT tổ chức, nhằm hưởng ứng sáng kiến “Năm quốc tế nữ nông dân” sẽ diễn ra tại Việt Nam vào năm 2026.
Ứng dụng mạnh mẽ công nghệ vào trang trại
Đến thăm trang trại chăn nuôi gà, lợn hữu cơ của HTX gà vi sinh Thu Thoan (xã Minh Phú, huyện Sóc Sơn), bà Jaclyn Wilson và bà Jennifer H. Schmidt cùng các đại biểu không khỏi ngạc nhiên khi thấy nơi này đang chăn nuôi hàng nghìn con gà và lợn nhưng không hề có mùi hôi, ruồi muỗi. Càng tò mò hơn khi chị Nguyễn Thu Thoan – Giám đốc HTX mời cả đoàn mấy chục người vào tận chuồng gà mà không cần mặc đồ bảo hộ hay phải sát trùng.
“Với vai trò phụ nữ lãnh đạo trong nông nghiệp, việc chủ động học hỏi kinh nghiệm và kiến thức là điều cần thiết để các nữ nông dân vượt qua rào cản trong thời đại mới”.
Bà Jennifer
Chị Thoan cho biết, trang trại có diện tích gần 1ha, áp dụng chăn nuôi theo mô hình nông nghiệp tuần hoàn. So với cách chăn nuôi thông thường trước đây chị từng làm, điểm khác biệt, mấu chốt của mô hình này chính là thức ăn và đệm lót sinh học.
Theo đó, quá trình chăm sóc, chị Thoan cho gà, lợn ăn bằng thức ăn tự ủ, gồm các loại ngũ cốc, đạm thực vật trộn với các loại cây dược liệu như cỏ nhọ nồi, nghệ, sâm đương quy, diệp hạ châu, dầu gấc… Tất cả được nghiền nhỏ, trộn đều với nhau, ủ lên men trong 24 giờ rồi cho gà ăn. Nhờ bổ sung các thành phần thảo dược vào khẩu phần ăn hằng ngày, đàn gà có sức đề kháng tốt, ít bệnh dịch, phân thải ra cũng ít mùi hôi.
Đối với việc xử lý phân và chất thải của vật nuôi, chị Thoan dùng đệm lót làm từ trấu, mùn cưa trộn men vi sinh. Đệm lót sau khi sử dụng sẽ được thu gom, ủ thành phân bón hữu cơ cho khu trồng rau, cây dược liệu nên không xả thải ra môi trường.
Bày tỏ sự thích thú khi thăm trang trại nuôi gà của chị Thoan, bà Jaclyn Wilson – nông dân đang sở hữu đồng cỏ 7.000ha cùng đàn bò thịt lớn tại Lakeside, bang Nebraska (Mỹ) cho biết, các trang trại Việt Nam mặc dù có iện tích nhỏ hơn, nhưng người nông dân hoàn toàn có thể tích hợp công nghệ vào quy trình sản xuất.
“Hầu hết mọi người đều có điện thoại thông minh, vì vậy tôi nghĩ nông dân Việt Nam có thể sử dụng các ứng dụng miễn phí để hỗ trợ quá trình trồng trọt, chăn nuôi, như ứng dụng dự báo thời tiết, báo cáo thị trường nông sản, ứng dụng phát hiện bệnh trên cây trồng…” – bà Jaclyn Wilson gợi ý.
Thứ hai, nông dân cần ứng dụng nhiều kênh thương mại, quảng bá sản phẩm để tăng sản lượng bán hàng cũng như có kế hoạch dự phòng rủi ro. Với trang trại thịt bò, nữ nông dân Mỹ có website bán hàng để đưa sản phẩm trực tiếp đến tay người tiêu dùng, đồng thời có kênh YouTube riêng chia sẻ các video về trang trại.
Tại trang trại của bà Jaclyn Wilson, dựa trên ảnh vệ tinh và cơ sở dữ liệu sẵn có, bà cùng các cộng sự có thể sớm nhận thông tin về đồng cỏ, về mưa, để có thể sớm di chuyển gia súc đến những khu vực tốt hơn, giúp đảm bảo sức khỏe động vật. Ngoài ra, công nghệ còn giúp trang trại của bà Jaclyn tinh giản tối đa nhân lực (hiện chỉ có 4 người phụ giúp bà trong mọi công việc).
Trao quyền nhiều hơn cho nữ nông dân
Trước đó, tại diễn đàn “Vì sự tiến bộ của phụ nữ trong nông nghiệp”, bà Vũ Thị Phương Lan – Chủ tịch Công đoàn Bộ NNPTNT cho biết, hiện nay, tại các khu vực nông thôn có khoảng 80% phụ nữ tham gia vào sản xuất nông nghiệp. Trong đó, khoảng 25% phụ nữ tham gia quản lý các hợp tác xã nông nghiệp; 39% chủ thể sản phẩm OCOP là nữ. Có thể thấy, phụ nữ Việt Nam đã và đang đóng một vai trò không thể thiếu trong phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn.
Chia sẻ về những thách thức, trở ngại mà phụ nữ Việt Nam đang gặp phải trong lĩnh vực nông nghiệp, bà Lương Như Oanh – quản lý chương trình Biến đổi Khí hậu và Giảm nhẹ rủi ro thiên tai (Tổ chức UN Women) thông tin, số lượng phụ nữ tham gia lao động trong nông nghiệp chiếm khoảng 50%, trong đó tại nông thôn là 67%, vùng dân tộc thiểu số 81%.
Trong khi đó, ở Việt Nam, phụ nữ là một trong những lực lượng dễ bị tổn thương khi làm trong ngành nông nghiệp.
Trở ngại thứ hai, đó là định kiến xã hội. Phụ nữ Việt Nam thường phải dành nhiều thời gian chăm sóc gia đình nên tham gia sản xuất nông nghiệp đang mang tính nhỏ lẻ, do đó gặp khó khăn trong việc tiếp thu những kiến thức mới, tham gia học tập, tiếp cận chính sách của Nhà nước…
Bà Jennifer H. Schmidt – đang điều hành một trang trại có diện tích hơn 800ha, trồng ngô, đậu nành, lúa mì, rau và nho, đồng thời là chuyên gia được cấp phép về việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và quản lý dinh dưỡng – chia sẻ: Nữ nông dân Mỹ, mà cụ thể là ở trang trại của bà cũng đang đối mặt với các khó khăn như xâm nhập mặn do mực nước biển tăng, hạn hán, bão… Thời tiết là vấn đề không thể kiểm soát, do vậy các trang trại cần sự thích ứng phù hợp.
“Phụ nữ tham gia vào ngành nông nghiệp Việt Nam hay ở Mỹ đang có những rào cản và khó khăn riêng, nhưng tất cả theo hướng đến mục tiêu chung và trách nhiệm chung về chất lượng sản phẩm và sức khỏe cộng đồng. Với vai trò phụ nữ lãnh đạo trong nông nghiệp, việc chủ động học hỏi kinh nghiệm và kiến thức là điều cần thiết để các nữ nông dân vượt qua rào cản trong thời đại mới” – bà Jennifer nói.
“Với mô hình nông nghiệp có phụ nữ làm chủ, thành công thường đến từ từng chi tiết vì đó là thế mạnh của phụ nữ. Bên cạnh đó, phụ nữ luôn có sự kết nối mạnh mẽ với vật nuôi so với nam giới và đó là lí do giúp những trang trại có thể hoạt động hiệu quả” – bà Jaclyn Wilson, nữ nông dân tiêu biểu Hoa Kỳ đúc kết.