Cặp vợ chồng ở Thái Nguyên “lên đời” cho một loại củ ngon, ai ăn cũng mê, giá bán cao vẫn đắt khách

Nhờ được sơ chế, chế biến hấp dẫn, sản phẩm sắn dẻo ruột vàng của gia đình chị Đỗ Thị Thu Hà (xóm Xuân Lai, xã Tân Kim, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên) bán khắp các tỉnh, thành, nhiều lúc không đủ hàng để bán.

Năm 2006 chị Đỗ Thị Thu Hà (xã Tân Kim, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên) cưới chồng, về xóm Xuân Lai làm dâu và tiếp nối nghề buôn sắn của gia đình nhà chồng.

 

Sau nhiều năm buôn bán và tìm hiểu thị trường, những năm gần đây, bên cạnh việc bao tiêu sản phẩm cho bà con trên địa bàn huyện Phú Bình, gia đình chị Hà còn thuê đất của người dân để trồng khoảng 10 mẫu sắn dẻo ruột vàng.

Chia sẻ với PV Dân Việt, chị Hà cho biết, sắn dẻo ruột vàng có nguồn gốc từ vùng đất Tiền Giang, còn được biết đến với tên gọi khác là khoai mì ruột vàng. Bên ngoài, vỏ sắn giống như các loại khoai mì thông thường, nhưng bên trong lại có ruột màu vàng nhạt.

Hiện nay, sắn dẻo ruột vàng là món ăn được nhiều người yêu thích dù có giá cao hơn so với sắn thông thường do có hương vị dẻo và thơm hơn. Đặc biệt, khi thưởng thức, sắn dẻo ruột vàng không gây cảm giác ngán như các loại sắn khác.

Loại củ từng cứu đói một thời, nay trở thành đặc sản qua bàn tay của đôi vợ chồng ở Thái Nguyên - Ảnh 1.

Gia đình chị Đỗ Thị Hà (xóm Xuân Lai, xã Tân Kim, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên) bắt đầu buôn sắn dẻo ruột vàng từ năm 2011 đến nay mang lại hiệu quả cao. Ảnh: Kiều Hải

Loại củ từng cứu đói một thời, nay trở thành đặc sản qua bàn tay của đôi vợ chồng ở Thái Nguyên - Ảnh 2.

Gia đình chị Hà sơ chế, đóng gói, hút chân không sản phẩm sắn dẻo ruột vàng để bán ra thị trường. Ảnh: Kiều Hải

Gia đình chị Hà không chỉ bán sản phẩm thô, khoảng một năm nay do nhu cầu thị trường, vợ chồng chị Hà còn sơ chế sắn dẻo ruột vàng, đóng gói, hút chân không rồi xuất bán đi thị trường nhiều nơi, được nhiều khách hàng ưa chuộng.

“Khách hàng thích sản phẩm của nhà tôi vì trong quá trình sơ chế, ngoài củ sắn ra, chúng tôi còn đóng gói kèm với lá nếp. Hoặc đối với sắn dẻo ruột vàng luộc sẵn, gia đình còn thêm nước cốt dừa tùy theo yêu cầu của khách. Vì vậy sắn khi luộc lên có độ dẻo, thơm, bùi, ngậy rất hấp dẫn. Người dân ở các thành phố họ rất thích ăn món này vì tiện lợi lại dễ ăn” – chị Hà chia sẻ.

Loại củ từng cứu đói một thời, nay trở thành đặc sản qua bàn tay của đôi vợ chồng ở Thái Nguyên - Ảnh 4.

Do nguồn hàng xuất bán đi cho các đầu mối tương đối lớn nên chị phải thuê 3-4 nhân công thời vụ làm công việc bóc vỏ củ sắn dẻo ruột vàng và đóng gói, với mức tiền công khoảng 200.000 đồng/người/ngày. Ảnh: Kiều Hải.

 

Theo chị Hà, việc làm sắn không quá vất vả nhưng đòi hỏi mất nhiều thời gian. Khi có đơn đặt hàng của khách phải làm liên tục mới kịp giao hàng. Hiện gia đình chị vẫn chủ yếu làm theo đơn đặt hàng của khách.

Hiện nay, sản phẩm sắn dẻo ruột vàng của gia đình chị Hà đã có mặt ở nhiều tỉnh, thành miền Bắc với sản lượng xuất bán ra thị trường khoảng trăm tấn mỗi năm.

Trong đó, sắn thô có giá dao động từ 18.000 – 20.000 đồng/kg, còn sắn đã qua sơ chế, đóng gói có giá dao động từ 25.000 – 27.000 đồng/kg. Thời điểm tiêu thụ nhiều, có những ngày gia đình chị Hà bán ra thị trường khoảng 2 tấn sắn các loại.

Trung bình mỗi năm gia đình xuất bán ra thị trường khoảng trên 100 tấn sắn các loại. “Để đảm bảo việc trồng và thu hoạch sắn, gia đình chị thuê nhân công với mức tiền công từ 200.000 đến 400.000 đồng/người/ngày”, chị Hà cho hay.

Loại củ từng cứu đói một thời, nay trở thành đặc sản qua bàn tay của đôi vợ chồng ở Thái Nguyên - Ảnh 5.

Trung bình mỗi năm gia đình chị Hà xuất bán ra thị trường khoảng trên 100 tấn sắn các loại. Ảnh: Kiều Hải

Bên cạnh việc giữ các mối hàng truyền thống, chị Hà còn tích cực bán hàng trên các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo, Tiktok với sản lượng tương đối lớn. Tuy nhiên, do sản lượng không kịp đáp ứng nhu cầu nên có nhiều mối gia đình chị chưa thể cung cấp.

Loại củ từng cứu đói một thời, nay trở thành đặc sản qua bàn tay của đôi vợ chồng ở Thái Nguyên - Ảnh 6.

Ngoài buôn sắn, vợ chồng chị Hà còn sản xuất thêm tinh bột nghệ và tinh bột sắn dây. Ảnh: Kiều Hải

Loại củ từng cứu đói một thời, nay trở thành đặc sản qua bàn tay của đôi vợ chồng ở Thái Nguyên - Ảnh 7.

Chị Đỗ Thị Hà mong muốn thời gian tới sẽ được các đơn vị hỗ trợ xây dựng thương hiệu cho sản phẩm của gia đình. Ảnh: Kiều Hải

Nhằm thuận tiện cho việc chở sắn đi tiêu thụ cho các đầu mối, năm 2014 vợ chồng chị Hà đã mua thêm xe ô tô tải để vận chuyển. Cũng từ đây, sản lượng tiêu thụ sắn ngày một tăng lên.

 

Hiện nay, ngoài buôn bán sắn, vợ chồng chị còn đầu tư máy móc để sản xuất tinh bột nghệ và tinh bột sắn dây, với sản lượng xuất bán ra thị trường tương đối lớn, chủ yếu là bán lẻ.

Chia sẻ về hướng phát triển lâu dài, chị Hà mong rằng trong thời gian tới sẽ được các cấp ngành quan tâm đầu tư, hỗ trợ để vợ chồng chị có thể xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm của gia đình.

“Nếu được các cấp hỗ trợ, đồng hành, vợ chồng tôi sẽ thành lập tổ hợp tác rồi đến HTX, từ đó giúp nâng cao giá trị sản phẩm, tăng sản lượng ra thị trường, hướng tới đưa sản phẩm vào hệ thống các siêu thị, tạo thêm công ăn việc làm cho nhiều lao động tại địa phương”, chị Hà mong muốn.