Vùng đệm Vườn quốc gia U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang có diện tích gần 20.000 ha, là nơi cung ứng hàng nghìn tấn rau củ quả các loại để phục vụ thị trường trong nước và nước ngoài.
Trong các loại rau củ quả, một số loại khoai lấy củ như: gừng, khoai môn, khoai từ, khoai mỡ mộng linh được hàng trăm nông dân chọn trồng, vì có thị trường đầu ra và giá cả ổn định.
Là một trong những hộ gắn bó nhiều năm với nghề trồng khoai mỡ mộng linh ở ấp Minh Hưng, xã An Minh Bắc, huyện U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang, ông Lương Ngọc Dành cho biết, vụ khoai năm 2023-2024, gia đình trồng trên diện tích gần 1 ha.
Đến cuối tháng Giêng, gia đình ông thu hoạch dứt điểm với sản lượng hơn 31 tấn, bán với giá 9.000 đồng/kg, thu về gần 280 triệu đồng, sau khi trừ chi phí lời khoảng 180 triệu đồng.
Theo ông Dành, trước năm 2022, khi chưa ký kết bao tiêu đầu ra với hợp tác xã, gia đình ông cũng như nhiều nông dân trồng khoai mỡ mộng linh ở địa phương đều gặp khó khăn trong việc tiêu thụ và giá cả bấp bênh.
Từ vụ khoai năm 2022-2023 đến nay nhiều người trồng khoai đã ký hợp đồng thu mua với mức giá ổn định 9.000 đồng/kg với Hợp tác xã Sản xuất và dịch vụ nông nghiệp Kênh 10 nên tất cả khoai thu hoạch đều được thu mua tại vườn.
Nông dân trồng khoai mỡ xã Minh Thuận, huyện U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang trúng mùa khoai mỡ mộng linh. Ảnh: Văn Sĩ/TTXVN.
Khoai mỡ mộng linh trồng ở huyện U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang thường đạt trọng lượng từ 2-4kg củ. Ảnh: Văn Sĩ/TTXVN
Ông Dành cũng cho hay, khoai mỡ mộng linh đến lứa thu hoạch thường đạt trọng lượng từ 3-5 kg/củ, riêng một số củ to có thể đạt từ 10-15 kg. Vì thế, năng suất khoai trồng đạt khá cao, khoảng 4,2 tấn/1.000 m2.
“Hai năm qua, nhờ ký kết đầu ra ổn định nên gia đình tôi cũng như nhiều người trồng khoai ở đây có lời khá cao và yên tâm sản xuất.
Hiện tại, vợ chồng tôi đang cải tạo đất, vừa ươm giống để trồng lại vụ khoai năm 2024-2025. Do hợp tác xã tăng số lượng cung ứng cho đối tác, đặt mua nhiều hơn nên tôi đã mở rộng thêm diện tích trồng lên 1,2 ha cho vụ này”, ông Dành chia sẻ.
Là hộ chuyên trồng xen canh rau màu với các loại cây lấy củ ở ấp Minh Kiên, xã Minh Thuận, huyện U Minh Thượng, bà Nguyễn Thị Bé cho biết, vụ khoai vừa qua, gia đình bà trồng 0,3 ha khoai từ; 0,2 ha gừng và 0,5 ha khoai mỡ mộng linh; trong đó, gừng được thu hoạch dứt điểm trong tháng 2 và khoai mỡ mộng linh vừa thu hoạch xong khoảng 2 tuần, còn khoai từ gia đình đang thu hoạch những liếp còn lại.
Theo bà Bé, vụ khoai, gừng vừa qua nhờ thời tiết thuận lợi, ít bị sâu bệnh gây hại nên năng suất đạt cao hơn những năm trước khoảng 10%.
Cụ thể, 0,2 ha gừng, bà Bé thu về hơn 1,5 tấn củ; 0,5 ha khoai mỡ mộng linh thu về hơn 16 tấn; còn 0,3 ha khoai từ đến nay đã thu hoạch được hơn 10 tấn. Tổng lợi nhuận khoảng 140 triệu đồng.
“Trong 3 loại củ nhà tôi trồng thì có củ gừng giá cả còn lên xuống bấp bênh, riêng khoai từ và khoai mỡ mộng linh được ký hợp đồng thu mua mức giá tương đối nên cho lợi nhuận ổn định.
Cụ thể, khoai từ hợp tác xã bao tiêu giá 12.000 đồng/kg đối với loại nhất, 8.000 đồng/kg đối với loại khoai củ nhỏ; khoai mỡ mộng linh giá 9.000 đồng/kg.
Thời gian tới, tôi mong các doanh nghiệp, hợp tác xã đẩy mạnh liên kết bao tiêu cho củ gừng để có giá ổn định, giúp nông dân yên tâm sản xuất hơn”, bà Bé cho biết.
Bà Trần Thị Vỹ, Giám đốc HTX sản xuất và dịch vụ nông nghiệp Kênh 10, huyện U Minh Thượng (tỉnh Kiên Giang) chia sẻ về kinh nghiệm lựa khoai tây tươi ngon. Ảnh: Văn Sĩ/TTXVN.
Theo bà Trần Thị Vỹ, Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất và dịch vụ nông nghiệp Kênh 10, xã Minh Thuận, vụ khoai mỡ mộng linh năm 2023-2024 các thành viên trong hợp tác xã đã thu hoạch xong và đơn vị đã thu mua và cung ứng cho công ty hơn 170 tấn theo hợp đồng. Đối với vụ khoai năm 2024-2025, do công ty tăng số lượng thu mua nên hợp tác xã đã ký kết cung ứng 500 tấn khoai mỡ mộng linh.
“Hợp tác xã có ký kết thì nông dân mới mạnh dạn mở rộng diện tích trồng và yên tâm đầu tư cho vườn khoai và không còn lo sợ rớt giá.
Với mức giá bao tiêu cho nông dân 9.000 đồng/kg, người trồng sẽ có lời khoảng 20 triệu đồng/1.000 m2. Hiện tại, hợp tác xã bao tiêu hết số lượng khoai mỡ mộng linh của các thành viên hợp tác xã và thu mua của nông dân bên ngoài hợp tác xã để cung ứng cho công ty chế biến thực phẩm. Riêng với khoai từ, hợp tác xã thu mua để cung ứng cho các chợ đầu mối”, bà Vỹ chia sẻ.
Ông Phạm Duy Tân, Phó Trưởng phòng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện U Minh Thượng (tỉnh Kiên Giang) cho biết, vùng đệm Vườn quốc gia U Minh Thượng hiện có khoảng 2.800 ha trồng chuối, hơn 3.200 ha trồng rau màu và các loại cây lấy củ, quả như: khoai từ, khoai nùng, khoai môn, khoai mỡ mộng linh, khóm…
Khoảng 10 năm trở lại đây, nhờ được Trung ương, tỉnh, huyện quan tâm đầu tư kết cấu hạ tầng vùng đệm, nhất là việc xổ phèn, thoát úng trong mùa mưa, người dân đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi theo nhu cầu thị trường.
“Để các mô hình sản xuất mang lại hiệu quả bền vững, bên cạnh tăng cường chuyển giao tiến bộ kỹ thuật; tư vấn hỗ trợ nông dân kỹ thuận chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh… ngành nông nghiệp huyện còn thường xuyên tham mưu, đề xuất Ủy ban nhân dân huyện, các sở, ngành tỉnh tìm kiếm các doanh nghiệp đến thu mua, liên kết bao tiêu đầu ra cho nông sản của nông dân”, ông Phạm Duy Tân cho biết thêm.