Nắng nóng đỉnh điểm ở miền Bắc, người dân có nên pha nước đá lạnh cho vật nuôi uống để giảm nhiệt không?

Ngày 10/8, miền Bắc bước vào ngày nắng nóng đỉnh điểm trong đợt này khi nhiều nơi có thể ghi nhận mức nhiệt cao nhất 36-38 độ C. Theo các chuyên gia, người chăn nuôi cần có biện pháp chống nóng kịp thời để tránh vật nuôi bị sốc nhiệt.
Nắng nóng đỉnh điểm ở miền Bắc, chuyên gia bày cách chăm sóc vật nuôi, tránh bị sốc nhiệt chết hàng loạt - Ảnh 1.

Người chăn nuôi phải thực hiện tiêm phòng đầy đủ các bệnh theo khuyến cáo của cơ quan thú y tại địa phương mới đảm bảo sức khỏe cho vật nuôi.

Người chăn nuôi phải làm gì để phòng bệnh cho vật nuôi trong nắng nóng?

Sáng 10/8, trao đổi với PV Báo điện tử Dân Việt, ông Nguyễn Văn Hưởng – Phó Trưởng phòng Khuyến nông Chăn nuôi và Thú y (Trung tâm Khuyến nông quốc gia) cho biết, ngày 10/8, miền Bắc bước vào ngày nắng nóng đỉnh điểm trong đợt này khi nhiều nơi có thể ghi nhận mức nhiệt cao nhất 36-38 độ C, thời tiết này sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến sức khoẻ vật nuôi.

“Khi nắng nóng kéo dài gia súc, gia cầm thường ăn kém, ốm yếu, sức đề kháng bị suy giảm mạnh, năng suất thịt, trứng giảm. Kéo theo đó,  các loại dịch bệnh như: cảm nóng, cảm nắng, Ecoli, phó thương hàn, viêm phổi, dịch tả, tụ huyết trùng, cầu trùng, ký sinh trùng đường máu… dễ phát sinh, lây lan gây thiệt hại lớn về kinh tế cho người chăn nuôi”, ông Hưởng chia sẻ.

Để phòng chống các tác hại của thời tiết đến vật nuôi, ông Hưởng khuyến cáo người chăn nuôi cần thực hiện các biện pháp kỹ thuật và quản lý chăn nuôi như sửa chữa chuồng trại, lắp đặt các thiết bị làm mát như quạt, hệ thống chống nóng như hệ thống phun mưa trên mái, phun sương trong chuồng nuôi,….

Thực hiện vệ sinh chuồng trại, thu gom phân, chất thải hàng ngày để giảm phát sinh nhiệt do quá trình phân huỷ phân và chất thải gây ra; Sử dụng các biện pháp tiêu diệt côn trùng: ve, mòng, ruồi, muỗi trong khu vực chăn nuôi bằng các loại thuốc diệt côn trùng; Kiểm soát chất lượng, số lượng thức ăn, nước uống, bổ sung vitamin cho vật nuôi hàng ngày

Đồng thời, bà con chăn nuôi phải quản lý chăn thả và khai thác vật nuôi; Không chăn thả và bắt làm việc khi trời nắng nóng. Thực hiện tiêm phòng đầy đủ các bệnh theo khuyến cáo của cơ quan thú y tại địa phương.

Áp dụng nhiều biện pháp để chống nóng cho vật nuôi

Cũng theo ông Hưởng, để hạn chế những ảnh hưởng xấu của nhiệt độ cao, thời tiết nắng nóng, tuỳ thuộc đối tượng vật nuôi người chăn nuôi để có thể áp dụng một số biện pháp chống nóng hữu hiệu.

Cụ thể như đối với lợn, người nuôi cần làm chuồng hướng nam hoặc đông nam, nên lợp mái ngói hoặc mái lá cọ, lá dừa, rơm… Trong chuồng lắp đặt quạt điện, hệ thống quạt thông gió (Lưu ý không nên sử dụng quạt trần trong chuồng nuôi). Xung quanh chuồng trồng cây xanh tạo bóng mát. Chuồng nuôi nên có phên che chống nắng xung quanh, hàng ngày phun nước lên mái chuồng để hạ bớt nhiệt.

“Cần giảm nhiệt độ chuồng nuôi bằng cách thường xuyên vệ sinh chuồng nuôi, thu gom phân và chất thải hằng ngày để giảm sức nóng do quá trình phân huỷ chất hữu cơ .

Bên cạnh đó, bà con cần giảm mật độ nuôi nhốt: Đối với lợn nái 3 – 4 m2/con, lợn thịt là 2 m2/con. Cần tắm cho lợn 1 – 2 lần/ngày. Cho lợn uống đủ nước sạch, mát, bổ sung Bcomplex, Vitamin C, chất điện giải, men tiêu hóa… để giải nhiệt và tăng cường sức đề kháng.

Tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin: Phó thương hàn, dịch tả, tụ huyết trùng… để lợn có miễn dịch phòng bệnh. Cách ly lợn ốm để theo dõi, chăm sóc và điều trị. Tăng cường chăm sóc lợn nái, lợn con theo mẹ.

Đặc biệt, người nuôi lợn cần thực hiện các biện pháp về chăn nuôi an toàn sinh học, tiêu độc khử trùng định kỳ chuồng trại và khu vực chăn nuôi bằng các loại hóa chất như: Han – Iodine, Virkon, Benkocid… hoặc rắc vôi bột để phòng chống các dịch bệnh cho vật nuôi, nhất là dịch tả lợn châu Phi đang lây lan nhiều ở các tỉnh hiện nay”, ông Hưởng khuyến cáo.

Nắng nóng đỉnh điểm ở miền Bắc, chuyên gia bày cách chăm sóc vật nuôi, tránh bị sốc nhiệt chết hàng loạt - Ảnh 2.

Người nuôi nên tắm cho lợn 1-2 lần/ngày để giảm nhiệt cho đàn vật nuôi trong nắng nóng.

Đối với trâu, bò, ông Hưởng lưu ý các hộ chăn nuôi nên trồng cây xanh tạo bóng mát. Chuồng nuôi nên có phên che chống nắng. Giữ chuồng trại sạch sẽ và thông thoáng. Giảm nhiệt độ chuồng nuôi bằng cách vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, thu gom phân, thực hiện ủ phân sinh học.

Theo ông Hưởng, các hộ nuôi trâu, bò nên chăn thả sáng sớm hoặc chiều muộn: Buổi sáng cho trâu bò đi chăn thả sớm (6 giờ thả, 9 giờ về); buổi chiều chăn thả muộn (4 giờ thả, 6 giờ về). Nên buộc trâu bò ở những nơi có cây xanh bóng mát cho trâu bò nghỉ ngơi. Mật độ nuôi nhốt đối với trâu bò thịt: 4 – 6 m2/con; bề nghé 1- 2 m2/con.

Người nuôi cũng lưu ý cho vật nuôi uống đủ nước sạch, mát, bổ sung Vitamin C để giải nhiệt, cho ăn đủ no từ 30 – 35 kg thức ăn thô xanh, 0,5 – 1 kg thức ăn tinh (bột ngô, sắn, cám gạo…), 15 – 20 gam muối ăn để đảm bảo sức khoẻ, tăng khả năng chống nóng, chống bệnh tật. Nên tắm chải cho trâu bò 1 – 2 lần/ngày để giảm nhiệt cho cơ thể.

Bên cạnh đó, các hộ cần cách ly gia súc ốm để theo dõi, chăm sóc và điều trị. Tăng cường chăm sóc gia súc có chửa và gia súc non. Tăng cường diệt ve, mòng trên thân gia súc, nền chuồng và bãi chăn. Định kỳ tiêu độc khử trùng chuồng trại và khu vực chăn nuôi bằng các loại hóa chất như: Han – Iodine, Virkon, Benkocid… hoặc rắc vôi bột.

Đối với gia cầm, Phó Trưởng phòng Khuyến nông Chăn nuôi và Thú y khuyến cáo các trại có chuồng trại kín: Do có hệ thống làm mát, khi chạy tối đa công suất theo thiết kế, nhiệt độ chuồng nuôi có thể giảm được 5 – 70C so với nhiệt độ bên ngoài, nên gia cầm ít bị ảnh hưởng bởi nhiệt độ môi trường. Chú ý hệ thống cấp phát điện dự phòng.

Với chuồng thông thoáng tự nhiên: Giữ chuồng trại thoáng mát, sạch sẽ. Nên làm chuồng hướng nam hoặc đông nam, lợp mái ngói hoặc mái lá cọ, lá dừa, rơm… Nên có phên che chống nắng xung quanh, những ngày nhiệt độ cao có thể phun nước lên mái chuồng để hạ bớt nhiệt.

Hạn chế nắng chiếu xiên vào chuồng bằng cách che chắn; Dùng lưới đen hoặc trồng cây xanh, giàn cây leo che mái và hướng nắng; Cho gà ăn sớm, ăn xong treo máng ăn lên cho thoáng chuồng nuôi nhằm giảm nhiệt độ chuồng nuôi; Giảm độ dày đệm lót (nếu quá dầy vì đệm lót sinh nhiệt nhiều);

Giảm mật độ nuôi để làm giảm nhiệt độ chuồng nuôi: Đối với gà con: úm 50 – 60 con/m2; Đối với gà 0,5 – 1 kg: nhốt 8 – 12 con/m2; Đối với gà 2 – 3 kg: nhốt 3 – 5 con/m2; Nếu thời tiết quá nóng có thể thả gà ra vườn, gốc cây quanh chuồng; Cung cấp nước sạch, mát: cho uống tự do.

“Đối với gà đẻ rất dễ chết vào những ngày nhiệt độ quá cao nên tránh nuôi quá béo bằng cách giảm bớt năng lượng trong khẩu phần, cho ăn thêm rau xanh. Tăng sức đề kháng cho gia cầm bằng cách cho uống Bcomplex, Vitamin C, chất điện giải, men tiêu hóa… cho ăn các loại cám chất lượng tốt, phòng bệnh cho gia cầm bằng các loại vắc xin: Newcastle, cúm, dịch tả vịt, tụ huyết trùng… để tăng khả năng miễn dịch chống lại các loại bệnh nguy hiểm xâm nhập. Khi phát hiện gia cầm ốm cần cách ly vật nuôi vào ô riêng để theo dõi, chăm sóc và điều trị.

Thực hiện các biện pháp về chăn nuôi an toàn sinh học, tiêu độc khử trùng định kỳ chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi sau mỗi lứa nuôi”, ông Hưởng chia sẻ thêm.

Cũng theo ông Hưởng, hiện nay nhiều người dân chăn nuôi nghĩ rằng dùng nước đá lạnh pha cho vật nuôi uống để giảm nhiệt, chống nóng nhưng đây là điều không nên làm.

“Bà con chỉ nên dùng nước sạch, mát cho vật nuôi uống mới đảm bảo được sức khỏe, tránh cho vật nuôi dùng nước quá lạnh khiến vật nuôi bị sốc nhiệt ngược lại”, ông Hưởng khẳng định.