Cận cảnh tòa nhà “dát vàng” gây chói mắt, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn ở Hà Nội

Sau 5 năm “đắp chiếu”, chiều tối 2/8, dự án QMS Top Tower Tố Hữu chính thức tổ chức Lễ mở bán. Điều đặc biệt ghi dấu ấn với thị trường và các khách hàng thời điểm này, có lẽ là việc cả toà nhà được chủ đầu tư ốp kính phản quang màu vàng rực cả một góc phố.

QMS TOp Tower tọa lạc tại mặt đường Tố Hữu.
QMS TOp Tower tọa lạc tại mặt đường Tố Hữu.

“Mặt trời” giữa Thủ đô?

Giữa tháng 6, Công ty Cổ phần Dịch vụ Trường học Quang Minh (QMS) – Chủ đầu tư dự án Tòa nhà hỗn hợp: Dịch vụ thương mại và nhà ở tại phố Tố Hữu, phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm, thành phố Hà Nội (QMS TOP TOWER) tổ chức họp báo công bố thông tin lần đầu ngày mở bán, cho thuê, đơn vị giao dịch sản phẩm dự án toà nhà QMS TOP TOWER.

Và chiều tối 2/8, Lễ mở bán dự án chính thức diễn ra. Đây là một trong những dự án trọng điểm của QMS với tổng vốn đầu tư lên đến gần 2.000 tỷ đồng.

Dự án được cấp phép xây dựng từ năm 2018, dự kiến hoàn thành vào năm 2020. Tuy nhiên, sau khi cất nóc vào tháng 4/2020, dự án bất ngờ dừng thi công và “đắp chiếu” suốt nhiều năm.

Cho đến giữa tháng 6 vừa qua, chủ đầu tư dự án đã tổ chức họp báo công bố thông tin về ngày mở bán, thời gian dự kiến hoàn thiện và bàn giao cho khách hàng.

Theo ghi nhận của PV, dự án đã hoàn thành hơn 85% tổng khối lượng, dự kiến bàn giao nhà vào tháng 12/2024 và đưa vào sử dụng từ quý 1/2025.

Dự án
Dự án có chiều cao 45 tầng. Tổng mức đầu tư gần 2.000 tỷ đồng

Theo giới thiệu, QMS Top Tower có tổng cộng 490 căn hộ cao cấp, được phân bố trên 35 tầng từ tầng 7 đến tầng 36. Diện tích các căn hộ đa dạng từ 60m2 đến 100m2, bao gồm các loại căn hộ 2 phòng ngủ và 3 phòng ngủ. Tầng 38 – 44 là căn hộ khách sạn, tầng 45 được sử dụng là dịch vụ.

Thông tin từ môi giới bất động sản cho biết, thời điểm diễn ra lễ mở bán chính thức, dự án vẫn được rao bán với giá từ tầm trên dưới 70 – 72 – 83 triệu/m2. Căn 2 ngủ rẻ nhất tại dự án có giá 4,2 tỷ đồng, căn góc 3 ngủ có giá 8,9 tỷ đồng. Diện tích các căn hộ đa dạng từ 67 đến hơn 100m2. Dự án sẽ do chính chủ đầu tư vận hành, với phí dịch vụ dự kiến là 14.000 đồng/m2 với “cam kết” chất lượng dịch vụ 5 sao.

Tuy nhiên, tính đến hiện tại, mức giá đã nâng lên gần 70 – 85 – 95 triệu/m2.

Logia nhà mẫu căn 67m2 2 ngủ tại QMS TOP Tower rộng khoảng 50cm.
Logia nhà mẫu căn 67m2 2 ngủ tại QMS TOP Tower rộng khoảng 50cm.

Điều đặc biệt nữa của toà cao ốc 45 tầng này sau một thời gian “đắp chiếu” dài ngày, là toàn bộ mặt ngoài toà nhà được ốp kính phản quang màu vàng. Khi hoàn thành, dự kiến đây sẽ là toà nhà “rực rỡ” nhất Tố Hữu, Hà Đông.

Dự án đã
Dự án đươc ốp kính phản quang toàn bộ mặt ngoài. Dự kiến khi hoàn thành sẽ trở thành “mặt trời” rực rỡ nhất.

Thế nhưng, sự “rực rỡ” này, được giới quan sát thị trường dự đoán không thể là vũ khí giúp toà nhà “bù đắp” được mức giá đang bị cho là quá cao so với mặt bằng. Cùng với đó, lối thiết kế cũ từ thời chục năm trước, không còn khả năng thay đổi về công năng nên cũng không còn phù hợp với nhu cầu về không gian sống hiện nay. Đó là khi người mua nhà ngày càng quan tâm hơn đến chất lượng tiện ích, cây xanh, cảnh quan, giao thông thì QMS Top Tower lại tận dụng triệt để diện tích, bám sát mặt đường. Khu vực xuất hiện dự án cũng khá nổi bật ở điểm nóng tắc nghẽn giao thông tại Hà Nội.

Đà Nẵng đã từng kết luận sai phạm, xử phạt chủ đầu tư 2 dự án lắp kính phản quang mặt ngoài

Còn nhớ, vào năm 2020, Sở Xây dựng Đà Nẵng đã kết luận sai phạm tại hai toà nhà cao tầng ốp kính phản quang mặt ngoài đó là tòa nhà trung tâm thương mại và văn phòng dịch vụ SHB Đà Nẵng, đường Nguyễn Văn Linh và tòa nhà Risemount Apartment Đà Nẵng, đường Như Nguyệt.

Dự án
Dự án “mặt trời” bị xử phạt tại Đà Nẵng 4 năm trước.

Trong nội dung công văn gửi UBND TP. Đà Nẵng, Sở Xây dựng cho biết, việc các chủ đầu tư tự ý lắp đặt kính màu vàng thay thế kính màu xanh không đúng theo phương án kiến trúc đã được UBND thành phố chấp thuận là vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 2 Thông tư số 15/2016/TT-BXD ngày 30/6/2016 của Bộ Xây dựng và Điều 4 Quy định về quản lý kiến trúc công trình trên địa bàn TP Đà Nẵng được ban hành kèm theo Quyết định số 47/2012/QĐ-UBND ngày 12/10/2012 của UBND thành phố.

Chủ đầu tư của hai dự án này sau đó đã bị xử phạt 40 triệu đồng, đồng thời buộc phải khắc phục, sửa chữa. Trong thời hạn 60 ngày, hai chủ đầu tư phải làm thủ tục đề nghị cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh hoặc cấp lại giấy phép xây dựng. Nếu hết thời hạn trên, chủ đầu tư không xuất trình được giấy phép xây dựng đã điều chỉnh thì sẽ áp dụng biện pháp buộc tháo dỡ phần công trình vi phạm

Trước đó, việc hai dự án này ốp kính phản quang mặt ngoài đã vấp phải những phản ánh do ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân xung quanh dự án cũng như việc di chuyển của người tham gia giao thông.

Cả hai dự án
Cả hai dự án lắp kính phản quang tại Đà Nẵng đều vấp phải phản đối của người dân và buộc phải tháo dỡ phần sai phạm.

Sự việc xảy ra đã hơn 4 năm, nhưng chắc chắn bài học kinh nghiệm vẫn còn đó cho mỗi chủ đầu tư. Tuy nhiên, không biết lý do gì khiến chủ đầu tư dự án QMS TOP Tower lại chọn kính phản quang như một cách để “hồi sinh” cho một dự án, nhất là khi dự án đó được đặt tại điểm nóng tắc nghẽn giao thông của thành phố.

Thử hình dung, giữa thời tiết nắng nóng oi bức của Hà Nội, toà cao ốc 45 tầng này hiện ra với một mặt vàng chói lọi như “mặt trời”, hai bên đường thì tắc nghẽn, xe cộ nhích từng chút, điều gì sẽ xảy ra với người dân khu vực và người tham gia giao thông?

QMS TOP Tower nằm ngay điểm nóng tắc nghẽn giao thông trên phố Tố Hữu.
QMS TOP Tower nằm ngay điểm nóng tắc nghẽn giao thông trên phố Tố Hữu.
Xe máy phải
Xe máy phải “leo” vỉa hè mỗi khi tắc đường.

Cần biết, kính phản quang là loại kính phẳng, được phủ trên bề mặt một lớp phản quang bằng oxit kim loại. Lớp phản quang này có tác dụng làm giảm luồng nhiệt dư thừa và độ chói sáng, cân bằng những ánh sáng thông thường và chống tia UV.

Theo tiêu chí phản quang, vật liệu này được phân ra 2 loại là kính phản quang một chiều và kính phản quang hai chiều với nhiều màu sắc như màu xanh lá, màu xám, màu ghi…

Kính phản quang có nhiều ưu điểm vượt trội. Về mặt chức năng, loại kính này có tác dụng ngăn tia UV, giảm thiểu tia sáng có hại truyền qua kính.

Lớp oxit kim loại phủ trên kính giúp kính phản quang có khả năng giảm tới 25% nhiệt lượng. Qua đó giảm nhiệt lượng hấp thụ của các bức tường tiếp xúc với ánh nắng mặt trời khiến không gian trong nhà mát mẻ hơn.

Việt Nam hiện vẫn chưa
Việt Nam hiện vẫn chưa có quy chuẩn riêng về kính, nhất là kính ốp mặt tiền đối với các công trình có quy mô lớn, công trình cao tầng, công trình tiêu thụ nhiều năng lượng

Hiện nay, nhiều nước trên thế giới quy định công trình xây dựng mới phải áp dụng tiêu chuẩn xanh – là công trình có tỉ lệ cao sử dụng vật liệu thân thiện môi trường. Trong đã, có quy định hạn chế sử dụng kính xây dựng có hệ số phản quang lớn do các vấn đề môi trường như hiệu ứng nhà kính, nhiệt năng phát sinh.

Đơn cử như Singapore – một trong số ít các quốc gia có luật quy định việc sử dụng kính và các vật liệu phản quang trong xây dựng. Theo quy định của nước này, các toà nhà không được phép sử dụng các loại kính có khả năng phản xạ quá 20% ánh sáng.

Bên cạnh đó, mặt tiền của các toà nhà không được phép sử dụng các vật liệu có phản xạ gương (phản xạ trực tiếp theo góc bằng với góc tới của ánh sáng) quá 10%.

Một chuyên gia trong ngành xây dựng cho biết, tại Việt Nam, hiện chưa có quy chuẩn riêng về kính, nhất là kính ốp mặt tiền đối với các công trình có quy mô lớn, công trình cao tầng, công trình tiêu thụ nhiều năng lượng… Có một số tiêu chuẩn về kính được khuyến khích áp dụng nhưng cũng chỉ liên quan đến độ bền, độ an toàn, va đâp… chứ chưa lưu ý đến hệ số phản quang, hấp thụ nhiệt, truyền sáng.

Điều này vô tình sẽ “nới lỏng” điều kiện cho các chủ đầu tư, trường hợp công trình sử dụng lớp kính có hệ số phản quang lớn sẽ ảnh hưởng đến người dân xung quanh khu vực có dự án và người tham gia giao thông.

Do đó, Nhà nước cần có quy định cụ thể về hệ số phản quang, màu sắc với kính ốp mặt tiền công trình.

Đối với vật liệu kính sử dụng tại mặt tiền công trình phải ghi rõ các thông số kỹ thuật như loại kính, xuất xứ, kích thước, bề dày, màu sắc, hệ số phản quang, hệ số hấp thụ nhiệt.

Tuy nhiên, môi giới bất động sản tại QMS TOP Tower, cho biết họ không nắm được những thông tin về kính sử dụng tại dự án này.

Về màu sắc của kính, chuyên gia xây dựng cho rằng phải hạn chế tối đa các màu nóng như đỏ, bạc, vàng, cam. Không sử dụng loại kính có hệ số phản quang lớn, gây ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường và sinh hoạt của người dân xung quanh.

Một chuyên gia về công trình xanh chia sẻ, do Việt Nam có cường độ bức xạ mặt trời cao nên sẽ tác động về ánh sáng, nhiệt… đến người bị phản chiếu, gây tác động tiêu cực ngoài khả năng chịu đựng cho người dân quanh khu vực có dự án. Do đó, các chỉ tiêu của kính cần xem xét trên bối cảnh đô thị mà công trình đặt vào.

Dự án
Dự án QMS đã được thế chấp.

Để hiểu rõ hơn về lý do khiến chủ đầu tư lựa chọn kính phản quang là vật liệu sử dụng mặt ngoài toà nhà, PV Thương hiệu và Công luận đã liên hệ với bà Nguyễn Thị Thuý Hường – Chủ tịch Hội đồng kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Dịch vụ Trường học Quang Minh (QMS). Tuy nhiên, bà Hường từ chối trả lời báo chí.

Công ty Cổ phần Dịch vụ Trường học Quang Minh (QMS) được thành lập năm 2007, do nữ doanh nhân Nguyễn Thị Thúy Hường làm chủ. Doanh nghiệp có trụ sở tại tầng 9 tòa nhà Startup Tower, đường Tôn Thất Thuyết, phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, hoạt động chuyên về lĩnh vực giáo dục.

Tính đến tháng 12/2019, vốn điều lệ của Quang Minh QMS là 968 tỷ đồng, bà Hường nắm giữ 99% cổ phần. Tuy nhiên, theo một số nguồn tin, 99% cổ phần do bà Hường sở hữu đang được dùng làm tài sản đảm bảo tại Công ty cổ phần Tài chính Điện lực.

Năm 2013, Quang Minh QMS bắt đầu lấn sân sang lĩnh vực bất động sản bằng việc liên danh với Công ty TNHH MTV khảo sát và đo đạc Hà Nội, để thực hiện dự án Tòa nhà hỗn hợp: trung tâm thương mại trụ sở làm việc và văn phòng cho thuê (QMS Tower1) trên lô đất D14 đường Tôn Thất Thuyết, khu ĐTM Cầu Giấy, phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm.

QMS Tower1 được xây dựng trên lô đất D14 rộng 1204m2, với tổng mức đầu tư 150 tỷ đồng. Đây vốn là lô đất được TP Hà Nội quy hoạch cho Công ty TNHH MTV khảo sát và đo đạc Hà Nội xây dựng trụ sở làm việc.

Sau đó, Quang Minh QMS tiếp tục được giới thiệu là chủ đầu tư của hai dự án khác là: Tòa nhà hỗn hợp: dịch vụ thương mại và nhà ở (QMS Tower2) tại xã Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm và Công viên tri thức QMS tại phường Phương Canh, quận Nam Từ Liêm.

Dự án QMS Tower2 nằm trên lô đất rộng 3500m2 mặt đường Tố Hữu, với tổng mức đầu tư 850 tỷ đồng. Theo giới thiệu, dự án cao 45 tầng, trong đó 5 tầng hầm để xe, 5 tầng dịch vụ và 35 tầng căn hộ.

Dự án thứ 3 của Quang Minh QMS là Công viên tri thức QMS trên lô đất 2,3ha, với tổng mức đầu tư khoảng 300 tỷ đồng.

Được biết, QMS Tower1 và QMS Tower2 đang được cầm cố tại 1 tổ chức tín dụng. Ngoài số cổ phần tại Quang Minh QMS, bà Hường còn tài sản là phần vốn góp theo Hợp đồng hợp tác đầu tư với Công ty cổ phần Gia Lộc Phát để liên doanh liên kết đầu tư và khai thác thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình Khu nhà ở bán tại xã Trung Văn. Phần vốn góp này cũng đang được dùng làm tài sản đảm bảo tại Công ty cổ phần Tài chính Điện lực.

Mặc dù sở hữu khối tài sản lên đến cả nghìn tỷ đồng, tuy nhiên thông tin về bà Nguyễn Thị Thúy Hường khá ít ỏi khiến không ít người “tò mò” về dòng tiền của bà chủ Quang Minh QMS đến từ đâu?