Thông tin từ Sở NNPTNT Phú Thọ, tính đến 31/7, trên địa bàn tỉnh có 1.234,4ha lúa mùa nhiễm sâu cuốn lá. Trong đó, có 852,5ha lúa gieo trồng bị bệnh cuốn lá ở mức độ trung bình, còn lại là nhiễm nhẹ. Dự báo, sâu non bệnh cuốn lá sẽ nở rộ và gây hại nguy hiểm vào những ngày đầu đến đến giữa tháng 8.
Trước tình hình này, Sở NNPTNT tỉnh Phú Thọ đã khẩn trương ban hành Văn bản số 1189/SNN-TT&BVTV về việc tập trung chỉ đạo chăm sóc và phòng trừ sinh vật gây hại lúa vụ mùa 2024.
Theo đó, ngành nông nghiệp đánh giá, trên đồng ruộng lúa, các đối tượng sinh vật gây hại đang diễn biến phức tạp, nguy cơ gây ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển và năng suất lúa mùa trong thời gian tới.
Cụ thể, trên diện tích trà lúa mùa sớm (lúa đang trong giai đoạn cuối đẻ nhánh), trà lúa mùa trung (lúa đang giai đoạn đẻ nhánh – đẻ rộ) có mật độ sâu non bệnh sâu cuốn lá cục bộ đến 48 con/m2. Đặc biệt, sâu cuốn lá nhỏ lứa 5 có khả năng gây hại nặng, gây trắng lá hoàn toàn trên quy mô rộng nếu không phòng trừ kịp thời.
Ngoài ra, chuột hại, bệnh khô vằn, sinh lý, đốm sọc vi khuẩn cũng đang có chiều hướng gia tăng gây hại đối với diện tích gieo cấy lúa mùa trong tháng 8.
Sở NNPTNT Phú Thọ đề nghị UBND các huyện, thành, thị chỉ đạo các xã, thị trấn, các cơ sở sản xuất thực hiện khẩn trương việc chăm sóc lúa mùa, phòng trừ sinh vật gây hại và cung ứng vật tư nông nghiệp.
Ngành Nông nghiệp khuyến cáo nông dân thực hiện phun thuốc phòng trừ tốt nhất cho lúa vụ mùa 2024 chia ra các cữ thời gian tốt nhất như sau: Lúa gieo cấy, trà mùa sớm từ ngày 1-5/8; lúa trà mùa trung thời gian phòng trừ tốt nhất từ ngày 6-10/8; một số huyện có diện tích gieo cấy sau có thể phun muộn hơn, nhưng không quá ngày 13/8.
Để phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ hiệu quả, bà con cần tranh thủ luôn thời gian tạnh ráo trong ngày để phun thuốc phòng trừ. Nếu phun thuốc xong gặp mưa hoặc những diện tích nhiễm sâu cuốn lá ở mật độ cao cần kiểm tra và phun lại lần 2 cách lần 1 từ 3-5 ngày.
Với diện tích lúa mùa đồng thời bị nhiễm bệnh sâu cuốn lá và bệnh khô vằn có thể phun hỗn hợp thuốc để giảm số lần phun, giảm công lao động, tăng hiệu quả phòng trừ. Các loại thuốc trừ sâu cuốn lá được khuyến cáo sử dụng như: SecSaigon 25EC; Clever 150SC (300WG); Comda gold 5WWG; Abatimec 3.6 EC; Indogold 150 SC; Dylan 2.0EC (10WG); Tasieu 5WG…