Ông Lư sống tại một vùng nông thôn Trung Quốc có hai con trai, điều kiện gia đình ở mức trung bình.
Với thu nhập hiện tại, họ không đủ khả năng mua nhà, vì vậy các thành viên chỉ đành chen chúc trong căn nhà cũ.
Năm 2009, chính quyền giải tỏa mặt bằng, ông Lư được đền bù 4 căn nhà, ông cho hai con trai mỗi người một căn, hai vợ chồng già ở một căn, sau đó bán căn còn lại và chia cho hai con mỗi người 500.000 NDT (hơn 1,7 tỷ đồng), giữ lại 1,4 triệu NDT (hơn 4,7 tỷ đồng) để dưỡng già.
Con trai cả có tiền liền mua xe và bắt đầu kinh doanh, song anh ta cũng thích đánh bạc. Trái ngược với ông anh, người em sống rất khiêm nhường và biết đủ.
Năm 2011, nhà của ông Lư một lần nữa thuộc diện phải giải tỏa, lần này ông có thêm 4 căn nhà. Như trước, ông cho hai con mỗi người một căn, còn 2 căn giữ cho mình.
Mấy năm sau, con trai cả đến khóc lóc nhờ vả bố mẹ giúp đỡ trả nợ, nếu không chủ nợ sẽ “giết chết” anh ta.
Thấy vậy, ông Lư đành bán căn nhà đứng tên mình để trả khoản nợ 5,3 triệu NDT (hơn 18 tỷ đồng) cho con trai cả.
Chuyện chưa dừng lại, hóa ra con cả không chỉ nợ nhiêu đó, anh ta lại năn nỉ bố mẹ bán đi căn nhà còn lại.
Hai vợ chồng ông Lư tức đến mức gần như ngất xỉu, nhất quyết không bán nhà, để anh ta tự sinh tự diệt, vì ông chỉ còn một căn đang sống hiện tại.
Không bỏ cuộc, anh cả lại để mắt đến nhà của em trai.
Người em vốn có 2 căn nhà, nhưng chỉ cải tạo một căn để ở, căn còn lại vẫn bỏ trống. Thấy anh mình không còn chỗ ở vì nợ nần, người em đã cho anh mượn căn nhà trống để trú tạm. Thế nhưng ai mà ngờ anh ta lại lên kế hoạch bán đi căn nhà này để lấy tiền trả nợ cho mình.
“Anh là anh trai của em, em nỡ lòng thấy anh bị dồn vào đường cùng sao?”, anh cả nói.
Chưa hết, anh ta còn dẫn chủ nợ đến tận nhà ông Lư, nói rằng bố mẹ mình rất giàu, họ có thể trả nợ thay. Càng đáng sợ hơn, mặc dù biết rõ mẹ bị bệnh phổi cần thở máy vào ban đêm, anh ta đã tàn nhẫn cúp điện khiến bà suýt mất mạng.
Những chuyện này khiến ông Lư không còn chút niềm tin vào đứa con trai này, tức đến mức nhập viện.
Ông Lư thực sự không còn cách nào khác ngoài việc nhờ người hòa giải giúp đỡ. Phóng viên đến tìm hiểu sự tình mới biết, thì ra người con trai cả thất bại trong kinh doanh chỉ là phụ, mà dính vào trò đỏ đen mới là chính. Anh ta đã bán một căn nhà của mình và thế chấp căn còn lại để trả nợ nhưng vẫn còn thiếu 3 triệu NDT (hơn 10 tỷ đồng), nên cần bố hoặc em trai giúp đỡ.
Ông Lư tức giận nói: “Tại sao không bán luôn căn nhà đang thế chấp mà cứ nhất quyết đòi cha mẹ và em trai bán nhà?”.
Anh ta hùng hổ nói: “Bán nhà thì con cái ở đâu? Bố mẹ giờ đã già, ít năm nữa sẽ qua đời, tài sản rồi cũng thuộc về tôi. Thôi thì bây giờ cho tôi sớm để trả nợ”.
Ông Lư vừa tức giận vừa hận mình vì đã sinh ra một đứa con trai vô dụng, ông nói sẽ không cho con trai cả của mình bất kỳ tài sản nào nếu ông qua đời.
Con trai cả tức giận nói: “Nếu bố không giúp, tôi sẽ từ mặt!”.
Ông Lư đã hoàn toàn thất vọng về con trai cả của mình, ông nói, cho dù có đoạn tuyệt quan hệ cũng sẽ không chi ra một đồng.
Vì vậy, từ quan điểm pháp lý, con trai cả của ông Lư có phần trong thừa kế không?
Nếu vợ chồng ông Lư qua đời mà không có di chúc, thì ngôi nhà họ để lại là tài sản thừa kế, con trai cả và con trai út có thể thừa hưởng.
Tuy nhiên, ông Lư vẫn còn sống, có thể lập di chúc hoặc trực tiếp tặng nhà cho con trai út, khi đó con trai cả bị mất quyền kế thừa.