Người phụ nữ Trung Quốc dồn hết sức để cho con trai đi du học nhưng kết quả lại khiến bà thất vọng.
Mới đây, một tác giả họ Ngô đã chia sẻ câu chuyện về gia đình dì mình lên mạng xã hội Trung Quốc, thu về nhiều lượt tương tác. Cụ thể, dì của anh Ngô là bà Trần, năm nay 65 tuổi là giáo viên tiểu học đã nghỉ hưu. Bà Trần có một người con trai từ nhỏ đã nổi tiếng ngoan ngoãn, học giỏi, luôn đứng đầu trường.
Thành tích của con gia đình bà Trần vô cùng tự hào nên rất chiều chuộng con, con thích gì cũng cố gắng đáp ứng. Đến năm cuối đại học, con trai xin đi học thạc sĩ ở nước ngoài trong khi điều kiện tài chính gia đình không quá dư dả. Mặc họ hàng khuyên bảo nên làm việc ở trong nước để vừa ổn định cuộc sống, vừa ở gần bố mẹ thì anh con trai vẫn quyết tâm với mục tiêu của mình.
Chiều con nên bà Trần và chồng bán căn nhà trong thành phố, chuyển ra vùng ngoại ô, mỗi ngày đi 20km đi làm để có tiền nộp học phí cho con. May mắn là người con trai đã không khiến họ thất vọng, ra trường với mức lương tháng rất cao bằng lương cả năm của nhiều người. Người thân lúc này lại quay ra ghen tỵ với bà Trần, khen ngợi bà nuôi dạy con tốt, không phải lo lắng những năm tháng tuổi già.
Thế nhưng thời gian hạnh phúc của vợ chồng bà Trần chẳng kéo dài lâu. Khi xung quanh các thanh niên trong làng, trong dòng họ đều đã lập gia đình, những người bạn đồng trang lứa với bà Trần đã đều lên chức ông, bà thì anh con trai vẫn chưa có ý định kết hôn. Con trai tuy vẫn gửi tiền đều về cho bố mẹ nhưng ít khi về thăm nhà, có năm về 1 lần rồi vội vàng bay đi ngay với lý do giải quyết công việc.
Căn nhà của vợ chồng bà Trần hiu quạnh, cuộc sống nghỉ hưu nhàm chán khiến 2 người họ đều bất lực. Bà Trần muốn rủ bạn bè đi mua sắm, trò chuyện nhưng họ đều bận chăm cháu, hỗ trợ gia đình các con. Người phụ nữ này cũng nhiều lần giục con mau kết hôn nhưng con trai lại cho rằng đây là chuyện riêng tư, bố mẹ không nên can thiệp. Từ đó những cuộc điện thoại con trai gọi về cũng thưa thớt dần.
Có lần ông Trần bị tai nạn phải nhập viện, bà Trần gọi cho con trai hàng chục cuộc vẫn không được. Thái độ này của con khiến bà thất vọng, đến hôm sau anh mới gọi lại và nói bận công việc. Dù vậy con trai vẫn nói không thể về nước ngay nhưng sẽ trả viện phí cho bố. Thực tế ca phẫu thuật của ông Trần không quá tốn kém, điều họ muốn là có con trai ở bên chăm sóc, đồng hành chứ không phải tiền của anh.
Hai năm sau cuối cùng anh con trai cũng về thăm nhà, còn dẫn theo bạn gái ngoại quốc. Ông bà Trần vui mừng không tả, còn đặt tiệc để mừng con về nhà. Thế nhưng việc con trai thông báo ý định xin định cư khiến bố mẹ “chết lặng”. Anh cũng không có ý định đưa ông bà Trần sang ở cùng vì cho rằng người cao tuổi không biết tiếng sẽ khó giao tiếp, tiếp tục sống như bây giờ là tốt nhất.
Dù bố mẹ thuyết phục con trai suy nghĩ lại, anh vẫn cho rằng bản thân đã trưởng thành, không cần người lớn kiểm soát. 8 ngày sau con trai cũng rời đi, chỉ còn lại ông bà Trần buồn bã trong nhà. Bà Trần lúc này bật khóc, liên tục nói hối hận vì năm xưa đã quá chiều con nên mới bán nhà cho con đi du học. Người phụ nữ này nói bản thân không tiếc tiền, chỉ tiếc vì khoảng cách đã khiến gia đình bà chia rẽ như hiện tại.
Nhìn vào gia đình bà Trần, những người xung quanh lại có phần e dè trước quyết định gửi con cái đi học, làm việc ở xa. Tuy vậy đến khi suy nghĩ thấu đáo, với tư cách là một giáo viên, bà Trần vẫn khuyên mọi người vẫn nên tạo điều kiện tốt nhất cho các con được học tập ở môi trường chúng mong muốn.
Những ngày tiếp theo, vợ chồng bà dần dần chấp nhận sự thật con trai cũng có cuộc sống riêng và không nên kỳ vọng quá nhiều, cũng không thể ép con sống theo ý mình. Quan trọng là họ học cách tự mình sống tốt và hạnh phúc mỗi ngày, tận hưởng cuộc sống hưu trí của bản thân.