Nuôi con vật này ví như “cỗ máy sản xuất thịt nạc”, con nào cũng bự, anh nông dân Thái Bình “nhận lương cao”

Từng gắn bó với nghề giáo nhưng anh Hoàng Cao Cường, xã Đoan Hùng (huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình) khiến nhiều người bất ngờ khi quyết định từ bỏ nghề giáo viên về làm nông, trong đó có nuôi bò New Zealand. Sau 8 năm gắn bó, anh Cường đã thành công với trang trại tổng hợp hơn 8 mẫu cho thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm.

Từng gắn bó với nghề giáo nhưng anh Hoàng Cao Cường, xã Đoan Hùng (huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình) đã khiến nhiều người bất ngờ khi quyết định từ bỏ công việc giáo viên để trở thành nông dân.

Sau 8 năm gắn bó với nghề nông, anh Cường đã xây dựng thành công trang trại tổng hợp rộng hơn 8 mẫu cho thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm.

 

Chúng tôi có dịp đến thăm trang trại và trò chuyện với anh Cường.

Trong trang trại của gia đình anh có đầy đủ vườn cây, ao cá, chuồng chăn nuôi được đầu tư rất bài bản. Vừa giới thiệu về thành quả của mình sau 8 năm nỗ lực, anh vừa chia sẻ về quyết định “chuyển ngành” đầy táo bạo của mình.

Theo anh Cường, gia đình cũng hy vọng anh kiên trì theo nghề giáo đã chọn.

Nhưng sau nhiều đêm suy nghĩ, trăn trở cùng với sự động viên, đồng hành của vợ đã thôi thúc anh quyết tâm xây dựng trang trại. Hành trình trở thành nông dân chính hiệu của “thầy giáo Cường” cũng bắt đầu từ đó.

“Tôi phát triển trang trại từ vài mẫu ruộng chuyển đổi và phải vay mượn thêm khắp nơi để đầu tư xây hệ thống chuồng nuôi, ao cá. Vốn đầu tư vào trang trại rất lớn nhưng được Hội Nông dân xã cho vay vốn nên tôi cũng mạnh dạn triển khai xây dựng.

Sau khi mô hình cho thu lợi nhuận, tôi lại tìm hiểu nuôi thêm gà, bồ câu để tận dụng diện tích trống. Có thời điểm chăn nuôi thuận lợi, trang trại của tôi có khoảng 400 – 500 con lợn thịt” – anh Cường tâm sự.

Nuôi bò New Zealnd thành công, ví như "cỗ máy sản xuất thịt nạc", nông dân Thái Bình lương tiền tỷ- Ảnh 2.

Trang trại tổng hợp, trong đó có chăn nuôi bò New Zealand của anh Hoàng Cao Cường, xã Đoan Hùng (huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình) cho thu nhập cao.

Sau những thành công ban đầu, anh Cường cũng phải đối mặt với không ít khó khăn, thử thách. Năm 2019, trang trại của anh điêu đứng vì bệnh dịch tả lợn châu Phi.

 

Mọi công sức, tiền bạc anh dành cho trang trại đều “đổ sông đổ bể”.

Qua tìm hiểu thị trường anh nhận thấy giống bò New Zealand có trọng lượng lớn, thịt nhiều, cho giá trị kinh tế cao nên anh tiếp tục đầu tư nuôi thử nghiệm.

Anh Cường vừa nuôi lợn vừa nuôi thêm bò thịt, bò giống để duy trì sản xuất.

“Người tính không bằng trời tính”, mô hình của anh thêm một lần nữa đối mặt với khó khăn khi đàn bò mắc bệnh viêm da nổi cục. Sau 2 lần thất bại, anh Cường thiệt hại hàng trăm triệu đồng.

Anh cho biết: Khi ấy, tôi không có nhiều kinh nghiệm phòng, trị bệnh nên số lượng bò ngày càng giảm.

Sau 2 lần thất bại, tôi cũng cảm thấy nản chí nhưng được sự động viên, hỗ trợ của gia đình nên tôi cố gắng đứng lên làm lại từ đầu. Tôi bắt đầu đi học hỏi, tham quan các mô hình lớn, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi khép kín để bảo vệ đàn vật nuôi.

Sau những nỗ lực không biết mệt mỏi, anh Cường cũng đã được đền đáp xứng đáng. Nhờ làm chủ được kỹ thuật và có kinh nghiệm chăn nuôi nên trang trại của anh phát triển tốt.

Từ diện tích rộng 2 mẫu, anh đã mở rộng lên hơn 8 mẫu nuôi 30 con lợn nái, 200 con lợn thịt và 40 con bò New Zealand. Hiện tại, anh cũng duy trì 4 ao thả các loại cá truyền thống như: trắm, chép, trôi, mè.

Thức ăn cho cá chủ yếu là các loại cỏ được trồng tại vườn, nhờ đó chất lượng cá luôn được thương lái đánh giá cao, mang lại nguồn thu nhập khá ổn định cho mô hình.

Việc chuyển hướng từ công việc ổn định sang xây dựng mô hình kinh tế là điều không dễ dàng. Thế nhưng bằng sự quyết tâm của mình, anh Cường vẫn kiên định với con đường đã chọn. Sau 8 năm, anh đã có thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm.

Không chỉ nỗ lực phát triển kinh tế gia đình, anh còn giúp đỡ cho nhiều lao động trong và ngoài xã có việc làm với mức thu nhập ổn định.

Anh Tống Văn Nhượng, xã Tân Tiến chia sẻ: Tôi đã làm ở trang trại của anh Cường được 5 năm. Công việc của chúng tôi chủ yếu là chuẩn bị thức ăn, vệ sinh chuồng nuôi, chăm sóc đàn bò.

Công việc không quá vất vả, thu nhập ổn định, thời gian rảnh chúng tôi có thể tranh thủ làm nhiều công việc khác để cải thiện kinh tế gia đình.

Ông Phạm Văn Thạnh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đoan Hùng đánh giá: Địa phương có nhiều hội viên nông dân năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, với nhiều mô hình phát triển kinh tế hiệu quả nhưng điển hình nhất là anh Hoàng Cao Cường.

Anh Cường không chỉ mạnh dạn chuyển đổi diện tích cấy lúa kém hiệu quả để chăn nuôi làm giàu cho gia đình mà còn gương mẫu, tích cực tham gia các phong trào thi đua của địa phương. Thời gian tới, Hội Nông dân xã sẽ tham mưu với cấp ủy, chính quyền tiếp tục hỗ trợ anh Cường phát triển sản xuất; đồng thời tuyên truyền hội viên nông dân học tập làm theo mô hình của anh.