Sự kỳ vọng về một vụ tôm khả quan hơn chẳng những không đến như mong đợi của người nuôi tôm mà còn trở thành thách thức không nhỏ cho người nuôi tôm trong những tháng còn lại của năm 2024.
Dù giá tôm đã hồi phục dần từ cuối năm ngoái, nhưng bước vào vụ tôm nước lợ năm 2024 này người nuôi vẫn hết sức thận trọng trước dự báo khó khăn về thời tiết và thị trường.
Điều này được thể hiện qua tiến độ thả giống tại hầu hết các vùng nuôi tôm khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đều diễn ra khá chậm so với kế hoạch.
Sự thận trọng đó cùng với sự vào cuộc sớm của ngành chuyên môn, nên dù thời tiết có nắng nóng gay gắt, dịch bệnh có xuất hiện sớm và gây hại, nhưng nhìn chung, đa số diện tích thả nuôi giai đoạn đầu năm đều đã về đích an toàn.
Và nói như người nuôi tôm, tuy vẫn có thiệt hại do dịch bệnh, thời tiết, nhưng bù lại, những diện tích nào vượt qua được thì tôm lớn rất nhanh, năng suất đạt rất cao, nên người nuôi vẫn có lãi khá.
Với giá tôm hiện nay, nếu nuôi đạt năng suất, lợi nhuận của người nuôi ở tỉnh Sóc Trăng nói riêng, các tỉnh ĐBSCL nói chung cũng không cao. Ảnh: TÍCH CHU
Tuy nhiên, thử thách lớn nhất và cũng là điều mà người nuôi tôm lo ngại nhất cuối cùng cũng đã xuất hiện, đó là việc giá tôm gần như tuột dốc không phanh kể từ tháng 5 đến nay.
Giá tôm giảm mạnh ngay vào thời điểm các địa phương trong khu vực ĐBSCL bước vào cao điểm thả giống đã khiến không ít hộ nuôi chùn tay không dám thả hoặc chỉ thả một phần diện tích mang tính thăm dò, dù ao nuôi đã cải tạo xong.
Theo ghi nhận của người viết, giá tôm gần đây đều giảm mạnh ở hầu hết các kích cỡ tại khắp các vùng nuôi trong khu vực. Bảng giá mới nhất được người viết ghi nhận vào sáng ngày 13/6 cho thấy, tôm thẻ loại 30 con/kg tại khu vực tỉnh Trà Vinh được thương lái thu mua ở mức 115.000 đồng/kg, còn tại Sóc Trăng, tôm thẻ loại 70 con/kg cũng chỉ có giá 98.000 đồng/kg tại cổng nhà máy.
Anh bạn là giám đốc một doanh nghiệp sản xuất tôm giống ở Bình Thuận, chuyên cung ứng tôm giống tại các vùng nuôi ở ĐBSCL cho hay, với đà này, sẽ có nhiều người nuôi treo ao kéo theo hệ lụy là tôm giống sẽ ế ẩm ngay trong cao điểm thả nuôi này.
Việc giá tôm giảm mạnh và nhanh vô tình tạo nên hiệu ứng “thu tôm chạy giá” tại nhiều vùng nuôi lớn ở ĐBSCL. Mọi năm, khi tôm đã đạt cỡ 50 – 70 con/kg là người nuôi rất an tâm “ngồi chờ đếm tiền”, nhưng với giá tôm như hiện nay, nhiều người nuôi đã tiến hành thu hoạch theo kiểu “chốt lời” do lo sợ giá tôm sẽ còn giảm thêm như đã từng xảy ra trong những năm trước.
Hiệu ứng “thu tôm chạy giá” đang có xu hướng lan rộng do giá tôm thời gian tới vẫn chưa có gì rõ ràng, vì bên cạnh yếu tố nhu cầu thị trường còn tùy thuộc vào vụ chính của các cường quốc tôm như Ecuador, Ấn Độ, Việt Nam. Riêng Ecuador càng khó đoán định hơn do họ có thể nuôi tôm được quanh năm.
Vấn đề người nuôi tôm quan tâm hiện nay là làm sao để nuôi tôm có lời, nhằm duy trì nghề nuôi, để chờ cơ hội tôm tăng giá dịp cuối năm?
Đây thật sự là câu hỏi khó khi mà hiện các nước như: Ecuador, Ấn Độ, Indonesia họ sản xuất tôm bán ra với giá rất thấp so với tôm Việt Nam. Và lời giải được một doanh nghiệp gợi ý là tìm cách lách qua khe hở thị trường để bán được giá tốt hơn.
Theo đó, thị trường Trung Quốc vẫn là mục tiêu hàng đầu và tiếp theo là thị trường nội địa. Hay nói cách khác là người nuôi cần sớm xác định tôm nuôi của mình sẽ bán cho ai, bán ở đâu?
Đối với thị trường Trung Quốc, dù lợi thế tôm giá rẻ vẫn đang thuộc về Ecuador, nhưng không vì thế mà con tôm Việt Nam không tìm thấy lợi thế cho riêng mình và một trong những lợi thế đó chính là màu sắc đỏ tươi sau khi chế biến của con tôm Việt Nam rất phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng Trung Quốc.
Đây chính là điều mà tôm Ecuador khó đáp ứng được do họ chỉ nuôi ao đất, màu sắc con tôm lúc thu hoạch rất trắng chứ không xanh đen như tôm nuôi lót bạt của Việt, nên khi chế biến màu đỏ rất nhạt.
Thứ hai là hiện thị trường này có nhu cầu size 70 – 170 con/kg nên chúng ta cần nuôi mật độ dày giai đoạn đầu, sử dụng thức ăn có độ đạm thấp, sau đó thu tỉa theo từng giai đoạn khi tôm đạt kích cỡ phù hợp với nhu cầu thị trường Trung Quốc hoặc thị trường nội địa.
Khi tôm đạt cỡ 50 – 60 con thì chuyển sang sử dụng thức ăn có độ đạm cao hơn (khoảng 43 độ đạm) để thúc tôm về cỡ lớn nhanh hơn, rút ăn thời gian và hệ số chuyển hóa thức ăn.
Giai đoạn cuối này nên nuôi mật độ thưa để nuôi về size lớn (dưới 30 con/kg) bán tôm ôxy nội địa rất có giá. Các giải pháp trên vừa giúp giảm chi phí, vừa thu tôm đạt yêu cầu thị trường, vừa đảm bảo năng suất và giá bán hợp lý.
Để giảm giá thành tôm nuôi, một trong những vấn đề quan trọng là người nuôi phải có đủ vốn, để mua vật tư đầu vào với giá rẻ. Riêng con giống đừng ham rẻ mà nên chọn con giống có chất lượng tốt nhất vì con giống quyết định rất lớn đến cả vụ nuôi.
Một vấn đề nữa là làm sao giữ được đầu con cao thì mới có sản lượng lớn, để giảm giá thành, đảm bảo lợi nhuận kể cả thu hoạch size nhỏ hay size lớn.
Việc thu tỉa tôm cũng rất quan trọng, nên thu tỉa bằng cách sử dụng lú để không gây xáo trộn môi trường ao nuôi, tôm không bị stress nhằm giảm hao hụt. Hy vọng, bằng kinh nghiệm của mình cùng sự gợi ý trên sẽ giúp người nuôi tôm vượt qua được khó khăn về giá trong mùa tôm này.