Thời gian qua thị trường chung cư Hà Nội đã trải qua giai đoạn tăng giá chưa từng có, tình trạng này không chỉ nằm ở những dự án mới mở bán mà còn đến từ nhiều dự án chung cư đã sử dụng nhiều năm, tập thể cũ…
Thậm chí, nhiều căn hộ chung cư cũ dù không có sổ hồng cũng được rao bán hàng loạt.
Chị Nguyễn Thu Hà (Thanh Xuân, Hà Nội) chủ căn hộ chung cư không sổ đỏ 70m2 gồm 2 phòng ngủ và 2 vệ sinh đang rao bán với giá 2,9 tỷ đồng.
Được biết, căn hộ trên chị Hà mua lại từ một chủ khác từ năm 2018 với giá 1,7 tỷ đồng bằng hình thức ký hợp đồng mua bán, công chứng. “Do tôi cần tiền gấp nên mới quyết định bán. Hiện, giá rao bán tôi đưa ra đang rẻ nhất thị trường. Với vị trí nằm giữa quận trung tâm như vậy, rất khó có thể tìm được căn hộ nào tương tự” – chị Hà nói.
Một căn hộ không sổ hồng được chủ nhà rao bán rẻ hơn căn có sổ trên thị trường cả tỷ đồng
Chủ căn hộ này cũng thông tin thêm, hiện dân cư đã về ổn định. Còn về vấn đề pháp lý chưa có sổ hồng cho dân cư là do phía chủ đầu tư đang gặp một số vấn đề khó khăn từ nội bộ. Chủ đầu tư cũng hứa hẹn với dân cư sẽ sớm làm sổ cho cư dân.
Khảo sát trên một số trang tin chuyên mua bán BĐS, có khá nhiều căn hộ chưa sổ cũng đang được rao bán với giá “mềm” từ vài trăm triệu đến cả tỷ đồng. Đơn cử, một căn hộ khoảng 70 m2 có 2 phòng ngủ với đầy đủ nội thất cơ bản tại khu vực Hà Đông, hiện đang được rao bán khoảng hơn 1,1 tỷ đồng. Hay một căn hộ với diện tích 56 m2 tại Kim Văn Kim Lũ (Hoàng Mai) cũng được rao bán với mức giá khoảng 1,7 tỷ đồng và có thể thương lượng thêm…
Việc giá chung cư liên tục thiết lập mặt bằng giá mới đã khiến nhiều người phải từ bỏ ý định mua nhà. Theo báo cáo thị trường bất động sản mới đây của PropertyGuru Việt Nam, thị trường địa ốc tại Hà Nội có dấu hiệu “hạ nhiệt” sau những tháng đầu năm, nhất là thị trường căn hộ chung cư ở khu vực này. Cụ thể, trong tháng 4/2024, mức độ quan tâm đến phân khúc chung cư Hà Nội đã giảm 23% so với tháng 3 sau hơn một quý tăng liên tục.
Mặc dù lượng quan tâm đã giảm nhưng giá rao bán loại hình này vẫn không có dấu hiệu đi xuống. Trong tháng 4 vừa qua, phân khúc chung cư bình dân (dưới 30 triệu đồng/m2) tăng giá 12% so với tháng trước. Căn hộ trung cấp (30-50 triệu đồng/m2) cũng tăng 5% và cao cấp (trên 50 triệu đồng/m2) tăng 3%.
Trong khi đó, các căn hộ tại một số dự án chung cư chưa có sổ hồng đang được rao bán với mức giá thấp hơn nhiều so với mức giá chung của khu vực. Nhờ giá thành rẻ, để tiết kiệm ngân sách mà những người có tài chính hạn hẹp vẫn chấp nhận rủi ro để mua căn hộ loại này.
Thực tế không phải dự án chung cư nào cũng đủ điều kiện được cấp sổ hồng. Trên thị trường hiện nay, có rất nhiều căn hộ chung cư chưa có sổ hồng được chào bán với mức giá thấp hơn so với chung cư đã có sổ hồng. Với những người không dư giả về tài chính, mức giá rẻ luôn được coi là tiết kiệm, kinh tế.
Tuy nhiên, do giá rẻ, người mua nhà xác định đối diện khá nhiều rủi ro
Tuy nhiên, đi kèm lợi thế về giá, mua chung cư chưa có sổ hồng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Bởi theo quy định của pháp luật hiện nay, với căn hộ chung cư, nhà dự án chưa có sổ hồng hoặc sổ đỏ, nếu muốn chuyển nhượng lại cho người khác thì có thể làm hợp đồng ủy quyền quản lý sử dụng – thực chất là hợp đồng chuyển nhượng, sang tên hợp đồng mua bán chung cư. Người nhận chuyển nhượng có thể gặp nhiều rủi ro, ví dụ như sau đó hai bên mua bán mất liên lạc với nhau, người ủy quyền mất năng lực hành vi dân sự hoặc qua đời.
Chưa kể, sau khi ký hợp đồng đặt cọc, nếu muốn bán lại căn hộ đó thì chủ đầu tư dự án vẫn sẽ cho người chủ đầu tiên đứng tên sổ hồng bởi người chủ thứ hai trở đi chỉ được ủy quyền sử dụng căn hộ chứ không có gì để đảm bảo quyền lợi.
Với những dự án chung cư đang trong thời gian cấp sổ hồng, nếu thực hiện mua bán thì sẽ mua bán theo dạng ủy quyền toàn phần. Chủ đầu tư không hỗ trợ xác nhận căn hộ vì đã nộp hồ sơ lên Sở Tài nguyên và Môi trường.
Ngoài ra, nếu không tìm hiểu kỹ, mua “nhầm” căn hộ trong dự án chung cư của những chủ đầu tư kém uy tín, năng lực thì có nguy cơ chậm cấp sổ hồng, thậm chí không có sổ hồng.
Luật sư Đoàn Trung Hiếu – Văn phòng luật sư Hỗ trợ Phát triển Cộng đồng – thuộc Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết có một số nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng chung cư chưa được cấp sổ hồng.
Ví dụ như chủ đầu tư dự án không cung cấp đầy đủ giấy tờ pháp lý hoặc giấy tờ không minh bạch, rõ ràng. Chủ đầu tư không thể hoàn thành công trình hoặc hoàn thành nhưng không giống với thiết kế ban đầu đã đăng ký trong giấy phép xây dựng. Chủ đầu tư sử dụng dự án chung cư để thế chấp vay vốn ngân hàng. Hoặc trường hợp khác là xảy ra tranh chấp về quy hoạch của dự án, chủ đầu tư còn nợ nghĩa vụ tài chính và pháp lý với Nhà nước.
Cũng chính vì các lý do trên, những căn hộ chưa có sổ hồng được bán với giá rẻ hơn từ vài trăm tới cả tỷ đồng sẽ là lựa chọn của những khách hàng tài chính hạn hẹp. Hơn nữa, các căn chung cư không sổ và có giá rẻ cũng rất dễ bán lại.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, dù có lợi thế về giá song pháp lý không rõ ràng nên sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro. Do đó, khi công chứng mua – bán, hai bên cần phải xuất trình hợp đồng mua bán lần gần nhất và quá trình mua bán phải được thông qua chủ đầu tư. Bởi có một số trường hợp sẽ bị vô hiệu hóa nếu như bỏ qua xác nhận của chủ đầu tư.