Sinh ra và lớn lên ở thôn Hóa, xã Tân Sơn (huyện Lục Ngạn, Bắc Giang), nhưng chưa khi nào anh Lường Văn Phúc chứng kiến vụ vải thiều mất mùa nặng như năm nay. Anh Phúc cho biết, vườn vải thiều gần 2ha của gia đình anh chỉ thấy thưa thớt quả chín, còn lại “toàn lá là lá”.
“Nhà tôi đang trồng 200 cây vải thiều chính vụ, 40 cây vải thiều không hạt và 200 cây vải thiều Thanh Hà, nhưng tổng sản lượng quả năm nay ước tính chỉ được 5 tấn. Trong khi mọi năm, sản lượng vải thu hoạch dao động từ 12 – 15 tấn, bỏ túi từ 150 – 200 triệu đồng. Ước tính năm nay cả thôn Hóa chỉ thu được 30 tấn vải, bằng 1 nhà của năm ngoái” – anh Phúc buồn rầu nói.
Theo quan sát của anh Phúc, không riêng gì ở thôn Hóa mà cả huyện Lục Ngạn năm nay đều bị mất mùa vải. Mỗi xã chỉ có vài hộ gia đình được mùa. Những hộ được mùa thì đang vô cùng phấn khởi, vui mừng như “trúng số” vì vải được giá chưa từng có, mang sọt vải ra điểm bán là thương lái tranh nhau mua.
“Hiện, giá vải Thanh Hà đạt tiêu chuẩn xuất khẩu (chín sớm hơn vải thiều chính vụ khoảng 2 tuần) đang ở mức 70.000 đồng/kg. Loại này thị trường Trung Quốc rất ưa chuộng nên có bao nhiêu họ mua hết. Riêng vải không hạt, năm nay giá cao ngất ngưởng, lên tới 250.000 đồng/kg song cũng không có nhiều để bán” – anh Phúc thông tin.
Đối với giống vải u hồng chín sớm, hiện đã thu hoạch hết, giá thu mua dao động từ 35.000 – 40.000 đồng/kg tùy theo chất lượng, mẫu mã.
Tương tự, bà Liễu Thị Nga, thôn Ngọt, xã Hồng Giang, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) cho biết, nếu cùng thời điểm năm trước, người dân “tối mắt, tối mũi” chăm sóc, thu hoạch vải thiều thì năm nay nhiều nhà ngồi chơi không vì gần như mất trắng. Gia đình bà Nga chỉ có 300 gốc vải chín muộn và 100 gốc vải chín sớm nhưng mọi năm cũng cho nguồn thu 300 triệu đồng.
“Năm nay gần như toàn bộ diện tích vải chín muộn không ra hoa, không chỉ gia đình tôi mà hầu hết tất cả các hộ trong thôn cũng đều bị như vậy”, bà Nga buồn bã nói.
Tại xã Hộ Đáp – nơi có hơn 600 ha vải thiều, trong đó hơn 500 ha được sản xuất theo quy trình VietGAP – không khí thu hoạch cũng trầm lắng hẳn so với mọi năm. Gặp ông Lục Văn Cặm (dân tộc Nùng), thôn Na Hem, xã Hộ Đáp, ông cho biết: “Vải năm nay mất mùa nên tôi tranh thủ nuôi tăng thêm đàn gà để có thu nhập”, ông Cặm nói.
Được biết, gia đình ông Cặm là một trong những hộ tiêu biểu trồng vải thiều xuất khẩu theo tiêu chuẩn GlobalGAP của HTX Dịch vụ tổng hợp Hộ Đáp. Năm 2023, ông “bỏ túi” hơn 200 triệu đồng từ bán vải. Tuy nhiên, bước sang đầu vụ vải năm nay, ông Cặm đã nhận thấy điều bất thường khi thấy cây không ra nhiều mầm non. Ông Cặm bỏ ra hơn 10 triệu đồng mua phân để bón thúc cho cây ra hoa, đồng thời khứa thân cây thành hình tròn, sau đó lấy băng dính quấn quanh thân cây… nhưng cây vải vẫn không ra hoa, ông đành “bó tay” bỏ mặc.
Theo Phòng NNPTNT huyện Lục Ngạn, diện tích trồng vải toàn huyện đạt khoảng 17.360ha, trong đó vải chín sớm gần 4.000ha, vải chính vụ trên 13.000ha. Tổng sản lượng quả năm nay ước chỉ đạt 50.000 tấn, giảm 48.500 tấn so với kế hoạch. Đây là năm mất mùa chưa từng thấy trong hơn 3 thập kỷ qua với sản lượng vải sụt giảm khoảng 80 – 90%.
Trao đổi với PV Dân Việt ngày 13/6, ông Nguyễn Văn Thi, Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Bắc Giang cho biết, tính đến ngày 12/6, tổng sản lượng tiêu thụ vải của tỉnh đạt 57.601 tấn, trong đó có hơn 42.000 tấn vải chín sớm và 14.306 tấn vải chính vụ; xuất khẩu được 21.882 tấn. Riêng huyện Lục Ngạn, đến nay đã tiêu thụ được 28.572 tấn vải các loại, giá bán bình quân từ 50.000 – 85.000 đồng/kg, tùy loại.
Cũng theo ông Thi, năm nay tỷ lệ ra hoa đối với vải thiều chín sớm, vải thiều chính vụ chỉ đạt khoảng 14.000 – 14.500ha trên tổng diện tích 29.000ha vải của Bắc Giang, do đó, sản lượng vải ước tính sụt giảm 50% so với năm ngoái, chỉ đạt trên dưới 100.000 tấn.
“Xưa kia các cụ vẫn hay nói, đối với cây vải “một năm ăn quả, một năm trả cành”, nhưng với trình độ canh tác ngày càng cao của nông dân thì tình trạng năm được – năm mất ít đi. Tuy nhiên, sau nhiều vụ được mùa liên tục, sức khỏe cây trồng cũng yếu dần đi, nhưng năm nay còn thêm lý do thời tiết không thuận lợi với sinh trưởng của cây, nền nhiệt độ cao hơn mọi năm đã ảnh hưởng đến quá trình phân hóa mầm hoa cây vải, dẫn đến sản lượng bị sụt giảm mạnh” – ông Thi giải thích thêm.
Dù mất mùa, song tỉnh Bắc Giang vẫn giữ nguyên kế hoạch tổ chức các hoạt động xúc tiến thị trường tiêu thụ vải. Để nâng cao giá trị kinh tế của quả vải, ông Nguyễn Văn Thi cho biết: Bắc Giang vẫn xác định cây vải là cây ăn quả chủ lực của tỉnh, mặc dù tỉnh cũng cơ cấu “một tập đoàn” cây ăn quả khác, song thời gian tới vải thiều sẽ vẫn là cây trồng chính.
“Để đảm bảo năng suất, giá trị của loài cây đặc biệt này, ngành nông nghiệp tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp khoa học kỹ thuật, quy trình canh tác nhằm nâng cao chất lượng quả vải, nhất là quản lý tốt mã số vùng trồng. Việc này vừa nhằm quản lý tốt chất lượng trái vải, vừa đảm bảo tiêu chuẩn, điều kiện xuất khẩu nhằm đạt giá trị kinh tế cao hơn” – ông Thi nói.
Quả vải thiều huyện Lục Ngạn đã được cấp chứng nhận Chỉ dẫn địa lý từ năm 2008; được bảo hộ nhãn hiệu tại 08 quốc gia trên thế giới; năm 2021, là sản phẩm trái cây đầu tiên của Việt Nam được bảo hộ Chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản.
Huyện Lục Ngạn có diện tích trồng vải lớn nhất của tỉnh Bắc Giang với trên 17.000ha trồng vải chuyên canh, trong đó có gần 13.400ha áp dụng theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP; gần 4.000ha vải chín sớm, là cây trồng chủ lực của địa phương.