Các hộ trong hẻm nhà tôi góp tiền cải tạo, nhưng một quán cà phê lấn chiếm từ 6-20h mỗi ngày.
Tôi đang sống tại quận Gò Vấp, TP HCM. Đọc bài viết về việc người dân trung tâm Sài Gòn hiến hàng nghìn m2 đất mở rộng hẻm tôi thấy điều này thể hiện một việc làm cao cả và nhân văn (đơn cử như giúp việc phòng cháy chữa cháy thuận tiện…).
Thì ngay hẻm tôi ở, một quán cà phê ngang nhiên lấn chiếm hẻm làm nơi để xe gắn máy cho khách. Con hẻm này do các hộ dân cùng đóng góp kinh phí trải nhựa đường, với mục đích góp một phần nhỏ chung sức với cơ quan chức năng, và tạo con hẻm đẹp, thông thoáng, văn minh.
Thế nhưng con hẻm bị quán cà phê lấn chiếm từ 6h đến 20h hằng ngày, cho đến nay cũng gần 10 năm. Tôi đã phản ánh, tuy nhiên sự việc vẫn ít biến chuyển.
Trong khi người dân cả nước hiến đất mở rộng hẻm, thì đâu đó vẫn có sự tư duy cho việc làm phạm luật.
Nếu chúng ta cứ du di theo kiểu “thông cảm, tạo điều kiện cho quán này kinh doanh”, thì đây là một dạng ngụy biện nguy hiểm. Vì nó dẫn đến sai lầm trong nhận thức pháp luật của chủ quán cà phê, vô tình hình thành thói quen sống trên pháp luật, trong khi luật đất đai và luật giao thông đã quy định rõ: “Về lối đi chung, hẻm chung, chỉ được dùng lưu thông “.
Vấn đề nghiêm trọng hơn khi sự việc được tôi trình báo, thì bị trả thù giữa thanh thiên bạch nhật.
Thông qua bài viết này, tôi nghĩ rằng quản lý xã hội là quản lý rủi ro. Đừng để sự việc đau lòng xảy ra như: Tai nạn giao thông, phòng cháy chữa cháy… hay còn gọi là “mất bò mới lo làm chuồng”, thì người dân đã mất mát quá nhiều.
Cơ quan chức năng và đông đảo người dân mong muốn xây dựng thành phố văn minh, sạch đẹp, gọn gàng như một tiểu Singapore, thì việc chấn chỉnh lấn chiếm hẻm là cần thiết.