Hột cây cầy là thứ hột gì, ăn ngon cỡ nào mà hút hàng ở một Hội chợ vừa diễn ra ở Bình Phước?

Tại Hội chợ trái cây và hàng nông sản tỉnh Bình Phước năm 2024, diễn ra từ ngày 29/5 đến ngày 3/6/2024, ông Nguyễn Xuân Định – Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam (thứ 2, trái qua) đã cùng lãnh đạo tỉnh Bình Phước tham quan gian trưng bày đặc sản hột cây cầy.

Với tôi, tôi vẫn thích gọi hột cây cầy, như cách gọi của những đứa trẻ rừng rú của chúng tôi cách đây hơn 40 năm. Nhắc tới hột cây cầy, là gợi nhớ trong trái tim tôi cả một trời kỷ niệm tuổi thơ nghèo khó, trong trẻo, hồn nhiên…

Hột cầy – tuổi thơ tôi

Dù ngày nay, trên sách vở hay truyền miệng với nhau, người ta gọi là hạt cây kơ nia cho nó sang chảnh (có lẽ cách gọi này bị ảnh hưởng bởi bài hát “Bóng cây kơ nia”, vốn rất nổi tiếng của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, phổ thơ Ngọc Anh).

Không nhớ cụ thể năm nào, tôi chỉ nhớ vào khoảng thời gian từ 10 – 15 tuổi, cái tuổi vừa đủ ghi nhận, thu nạp vào trong trí nhớ của mình những gì đang diễn ra xung quanh. Đó cũng là khoảng thời gian sau năm 1975, đất nước vừa thống nhất, biết bao khó khăn đang diễn ra. Gia đình tôi cũng như nhiều gia đình khác ở tỉnh Sông Bé (nay là tỉnh Bình Phước) – miền đất đỏ Đông Nam bộ, ngập chìm trong sự thiếu thốn.

Hột cây cầy là thứ hột gì, ăn ngon cỡ nào mà hút hàng ở một Hội chợ vừa diễn ra ở Bình Phước?- Ảnh 1.

Tại Hội chợ trái cây và hàng nông sản tỉnh Bình Phước năm 2024, diễn ra từ ngày 29/5 đến ngày 3/6/2024, ông Nguyễn Xuân Định – Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam (thứ 2, trái qua) đã cùng lãnh đạo tỉnh Bình Phước tham quan gian trưng bày đặc sản hột cây cầy. Ảnh: Hoàng Hưng

Ngày đó, cái thị trấn Đồng Xoài nho nhỏ (nay là thành phố Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước) nằm lọt thỏm giữa những cánh rừng xanh thẳm, bạt ngàn. Rừng sát sàn sạt thị trấn, đến nỗi, có năm một con nai rừng lạc đàn vào thị trấn; người dân thị trấn lại cùng nhau đuổi nó trở lại rừng…

Hợp tác xã ra đời. Gia đình nào cũng phải vô hợp tác xã và mọi người, ngày ngày lên rẫy trồng lúa, trồng bắp, trồng đậu xanh, đậu đen…

Rừng mênh mông, người ta tha hồ phá rừng làm rẫy. Lũ trẻ chúng tôi, một bữa đi học, còn một bữa lên rẫy dãy cỏ lúa, hái đậu xanh, bẻ bắp. Mùa gặt, ban ngày, hợp tác xã huy động nhân công gặt lúa, dựng bồ đập lúa… Ban đêm, lũ trẻ ranh chúng tôi được giao trách nhiệm lên rẫy giữ lúa.

Hột cây cầy là thứ hột gì, ăn ngon cỡ nào mà hút hàng ở một Hội chợ vừa diễn ra ở Bình Phước?- Ảnh 2.

Cận cảnh nhân hột cầy sau khi được tách vỏ cứng. Ảnh: Hoàng Hưng

Vào mùa bắp, những rẫy bắp nối nhau trổ bông, trổ trái oằn cây… Những rẫy bắp rộng lớn đan xen giữa những cánh rừng. Cùng với bắp ra trái, trổ bông, cũng là hàng chục, hàng trăm đàn két (mỗi đàn có tới hàng ngàn con) kéo về, quần thảo, kêu réo ầm ỉ trên bầu trời.

Thỉnh thoảng, chúng lại xà xuống những rẫy bắp trĩu quả để phá, để ăn… Mỗi khi những đàn két với số lượng hàng ngàn con sà xuống, trong một phút thôi, rồi chúng lại cất cánh bay lên, cũng đủ cho cả rẫy bắp bị thương tích, bị tàn phá như vừa trải qua một cơn bão. Những trái bắp bị két gặm dở dang, trái mất 1/3, trái chỉ còn một nửa, trông thật xót xa.

Lũ trẻ chúng tôi lại được người lớn cắt cử đi canh giữ bắp. Mùa hè, chúng tôi được nghỉ hè 3 tháng, cũng là khoảng thời gian lên rẫy giữ bắp từ sáng đến chiều. Tôi còn nhớ năm đó, tôi cùng 3 thằng bạn trong xóm được cắt cử canh giữ rẫy bắp gần chục héc-ta. Buổi sáng, mặt trời lên, nắng ấm trải rộng cả một góc rừng xanh bao la.

Chúng tôi từ nhà lên rẫy, mỗi đứa mang theo một bình nước (loại bình nước dành riêng cho học sinh) và một lon sữa Ghi – gô đựng cơm hoặc sang hơn tý, là một cà mên cơm 2 ngăn (ngăn đựng cơm, ngăn chứa thức ăn mặn).

Hột cây cầy là thứ hột gì, ăn ngon cỡ nào mà hút hàng ở một Hội chợ vừa diễn ra ở Bình Phước?- Ảnh 3.

Hột cầy và hột điều là hai loại đặc sản chiến lược của tỉnh Bình Phước. Ảnh: Hoàng Hưng

Lên tới rẫy bắp, quăng cà mên, quăng bình nước vào hốc một gốc cây cầy, cả bọn chúng tôi bày ra đánh trận giả. Súng ống mỗi bên là ống thụt bắn bằng đạn là trái cò ke. Hai bên đánh nhau bất phân thắng bại. Đánh chán, “quân ta” lẫn “quân địch” cùng nhào xuống dòng suối Can (hoặc suối Cóc) tắm, lặn suốt mấy tiếng đồng hồ. Tắm chán, chúng tôi lại lên bờ, trở lại rẫy bắp chụm lửa đốt củi ngay dưới gốc cây cầy.

Mùa cầy ra trái độ tháng 11 -tháng 12, bắt đầu vào mùa khô ở phương nam. Sau khi trái chín, gió thổi qua, hàng trăm trái cầy rớt lộp độp như mưa đá. Trái cầy rơi đầy gốc cây. Sau nhiều ngày, vỏ tươi bên ngoài bị rữa nát, tiêu biến, chỉ còn lại lớp vỏ cứng, to như trái chanh, phía trong lớp vỏ là nhân cầy.

Sau mỗi trận đánh giả, chúng tôi lại tụm nhau quanh đống lửa. Ba bốn thằng chỉ đảo 5-10 phút quanh gốc cầy đã lượm được cả ký lô hột cầy rơi đầy dưới gốc. Thằng nào thích ăn sống thì cứ lấy đá ghè từng hột cho bể vỏ, lòi nhân bên trong ra, rồi cạo cạo lớp vỏ lụa; xong, bỏ vô miệng ăn. Công phu hơn, thì gom cả nắm hột cầy quăng hết vô đống lửa đang cháy ngùn ngụt. Nướng hột cầy độ 5 phút là có thể bới ra, dùng đá xanh đập vỏ ăn.

Hột cây cầy là thứ hột gì, ăn ngon cỡ nào mà hút hàng ở một Hội chợ vừa diễn ra ở Bình Phước?- Ảnh 4.

Đại diện Công ty TNHH MTV sản xuất Hoàng Phú trình bày rang, sấy hột cầy tại Hội chợ trái cây và hàng nông sản tỉnh Bình Phước năm 2024. Ảnh: Hoàng Hưng

Hột cầy lúc ăn ngỡ mùi vị tựa như mùi vị hột điều. Nhưng thật ra, ăn hột cầy ngon hơn nhiều so với ăn hột cây điều. Hột cầy khi ăn, ta có cảm giác bùi bùi, ngầy ngậy nơi đầu lưỡi và thơm ngon khó tả. Hột cầy không quá ngọt, quá cứng, hoặc sượng so với hột điều. Trong khi hột điều to, cộm, thì hột cầy dẹp, sau khi bóc vỏ lụa, hột cầy mỏng dính, rất dễ nhai, nuốt, khiến người ăn cảm nhận cái béo ngậy tức thì ngay khi vừa nhai trong miệng.

Không biết tự bao giờ, tự khi nào, khoảnh khắc ra sao của những tháng năm tuổi thơ rừng rú, mà hương vị hột cầy, hình ảnh những cây cầy cổ thụ đã khắc sâu trong tâm khảm của những thằng trẻ trâu năm nào, như lũ chúng tôi.

Bản sắc của núi rừng

Một ngày tháng 5/2024, tham dự Hội chợ trái cây và hàng nông sản tỉnh Bình Phước lần thứ VII, năm 2024. Thật bất ngờ, tại gian hàng triển lãm của Công ty TNHH MTV sản xuất Hoàng Phú, tôi bắt gặp những hột cầy đang được doanh nghiệp giới thiệu với khách hàng xa gần. Đây là doanh nghiệp duy nhất của tỉnh Bình Phước chế biến – kinh doanh hột cầy đặc sản hiếm hoi của tỉnh nhà.

Hột cây cầy là thứ hột gì, ăn ngon cỡ nào mà hút hàng ở một Hội chợ vừa diễn ra ở Bình Phước?- Ảnh 5.

Một gốc cây cầy trăm tuổi hiện đang được bảo tồn ở ấp Thạch Màng, xã Tân Lợi, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước. Ảnh: Hoàng Hưng

Anh Hoàng Đạo – chủ Công ty Hoàng Phú – cho biết: “Doanh nghiệp của tôi có trụ sở ở huyện Lộc Ninh. Vùng đất này năm xưa có rất nhiều cây cầy. Nay, cây cầy không còn bao nhiêu, nhưng vẫn có ở rất sâu trong những cánh rừng nguyên sinh giáp Campuchia. Tôi đã đặt mua các thợ rừng chuyên đi lượm hạt. Sau đó, rang, nướng, lấy hạt và biến thành sản phẩm để kinh doanh. Nhu cầu thị trường rất lớn, không đủ hàng để bán luôn”.

Việc đưa ra thị trường kinh doanh sản phẩm hạt cầy (kơnia) trong thời gian qua, Công ty Hoàng Phú đã giúp không ít người dân đồng bào dân tộc S’tiêng nghèo có thêm thu nhập, sau khi tận thu hạt cầy bán cho Công ty Hoàng Phú.

Hột cầy sau khi thu mua sẽ được công nhân lựa chọn, phân loại đạt tiêu chuẩn; sau đó, hột được tách vỏ, đưa đi rang, sấy để ra thành phẩm. Bình quân 10 kg hột cầy khô, sau khi đập vỏ sẽ được 1 kg nhân hột cầy thành phẩm. Theo anh Hoàng Đạo, giá bán trên thị trường vào khoảng 300.000 đồng/kg hột cầy.

Hột cây cầy là thứ hột gì, ăn ngon cỡ nào mà hút hàng ở một Hội chợ vừa diễn ra ở Bình Phước?- Ảnh 6.

Sản phẩm hột cầy (hạt Kơ nia) đang rất được ưa thích trên thị trường. Ảnh: Hoàng Hưng

Chị Thi Thị Lang – nông dân ở huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước – nói: ” Hàng năm, cứ vào mùa khô, dân làng chúng tôi lại rủ nhau đi nhặt hột cây cầy. Chịu khó vào sâu trong rừng, mỗi ngày có thể nhặt được cả bao to 50 kg. Rồi chịu khó ngồi chẻ vỏ, mỗi người cũng kiếm được 4-5 kg nhân hột cầy. Chẻ vỏ lấy nhân được bao nhiêu, thương lái gom mua hết”.

Những năm gần đây, đồng bào dân tộc thiểu số ở tỉnh Bình Phước và một số tỉnh Nam Tây nguyên lại có thêm nghề lượm hột cây cầy. Mùa trái cầy chín rộ cũng là lúc mùa mưa chấm dứt và bước sang mùa khô. Người người lại cùng nhau đi vào rừng lượm hột cầy để về bán lại cho các thương lái.

Đặc biệt, từ khi xuất hiện một số công ty chuyên rang, sấy hột cầy bán như Công ty Hoàng Phú, lại giúp không ít hộ dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số được hưởng lộc rừng – vốn nhiều năm trước chưa được khai thác, chỉ là thức ăn cho một số loại thú rừng có răng sắc nhọn như cầy, chồn, chuột…

 

Tại Hội chợ trái cây và hàng nông sản tỉnh Bình Phước, anh Hoàng Đạo – chủ Công ty Hoàng Phú – đã trình diễn rang, sấy, tẩm muối ngay trước mắt khách tham quan. Vì vậy, gian hàng hột cầy của Công ty Hoàng Phú luôn luôn đông nghẹt khách.

Tôi đã tận mắt xem những hột cầy trưng bày, trình diễn tại hội chợ; thậm chí, nhấm nháp luôn vài hột cầy đã được rang sấy, tẩm muối. Cả chuỗi ký ức tuổi thơ dưới gốc cầy cách đây hơn 40 năm bỗng ùa về trong trí nhớ.

Không ai ngờ được rằng, cây cầy (kơ nia), tưởng rằng chỉ là loài cây biểu tượng cho sức sống mãnh liệt, bền bỉ của vùng đất cao nguyên. Vậy mà giờ đây, cây cầy còn được mọi người biết đến như loài cây cho ra một loại hạt mang đậm hương vị núi rừng.