Loại rau đặc sản lấy từ rừng về vườn, chị nông dân Hòa Bình trồng thành công, bất ngờ thu tiền tỷ

Sau chục năm kiên trì với cây rau rừng đặc sản với đất, chị Bùi Thị Xuyến, xóm Cao, xã Cao Sơn, huyện Lương Sơn, (tỉnh Hòa Bình) đã thu tiền tỷ nhờ trồng rau mít. Rau mít đặc sản là giống rau rừng mọc nhiều ở các triền núi đất Mường. Cơ sở của chị còn là nơi sản xuất giống rau mít lớn nhất tỉnh Hòa Bình.

Thu tiền tỷ từ rau rừng

Những ngày này, bầu trời xứ Mường mưa như trút nước. Trong cái thời tiết ẩm ướt, mưa to gió lớn này chẳng ai muốn ra đường, vậy mà nhóm hái rau cho chị Xuyến vẫn hăng say lao động trên núi.

Chị Xuyến – bà chủ của vườn rau rừng lớn nhất đất Mường cũng không ngơi nghỉ chân tay.

Loại rau đặc sản lấy từ rừng về vườn, chị nông dân Hòa Bình trồng thành công, bất ngờ thu tiền tỷ - Ảnh 1.

Từ trồng rau mít – thứ rau rừng chỉ có ở đất Mường, chị Xuyến đã có thu nhập cao. Ảnh: Hoài Linh.

Chị cũng đeo ba lô, túi rết, đội áo mưa lên núi hái rau. Suốt mười năm qua, cơ sở trồng rau mít của chị đã sản xuất ra cả trăm tấn rau rừng. Chị thoát nghèo, làm giàu cũng nhờ cách khai thác tối đa cây rau mít mà “Giàng” đã ban tặng cho đất Mường.

 

Hẹn gặp chị Xuyến từ sáng nhưng đến giữa trưa mới thấy chị gùi rau từ trên núi về. Trong bộ quần áo ướt sũng nước mưa, người phụ nữ Mường gùi cả chục cân rau trên vai. Nở nụ cười tươi chào khách, chị Xuyến nhanh chóng đưa gùi rau vào nhà.

Trái với cảnh sụt sùi thời tiết của xứ Mường, chị Xuyến lại nở nụ cười đầy mãn nguyện. Cái vui của người nông dân khi sản phẩm mình làm ra được mùa, được giá nó lấn át mọi vất vả, cực nhọc.

Hạ gùi rau nhẹ nhàng xuống nền nhà, chị Xuyến mở lời: “Nhà báo thông cảm, khách đặt hàng từ ngày hôm trước rồi. Hôm nay mà không có đủ 50kg rau mít cho họ thì ngại lắm. Mình đã kí kết với họ, dù bão chết cò cũng vẫn phải giao hàng cho đúng hẹn”.

Từng gùi rau do các chị phụ nữ đi hái thuê cho chị Xuyến cũng dần được gom về. Những phụ nữ đất Mường cả đời lam lũ lo cho chồng con, lao động hăng say bất chấp trời mưa to, gió lớn.

Chị Xuyến đón gùi rau của các chị em trong xóm mà lòng vui như mở hội. Thứ rau được du khách mỗi khi thưởng thức khen nức lòng này lại được hái từ trên đồi.

Loại rau đặc sản lấy từ rừng về vườn, chị nông dân Hòa Bình trồng thành công, bất ngờ thu tiền tỷ - Ảnh 3.

Thứ rau rừng giúp chị Xuyến và người dân xóm Cao nâng cao thu nhập. Ảnh: Hoài Linh.

Rau mít – chị Xuyến nói là mặt hàng đặc biệt chỉ xứ Mường mới có, lá màu xanh mướt, hình dáng giống lá chè, nhưng cứng hơn một chút.

 

Khi hái rau mít phải rất nhẹ tay để rau không bị dập nát. Từng lá rau phải giữ nguyên được màu xanh và tươi ngon. Cũng chỉ kịp giới thiệu qua về loài rau rừng đặc sản này, chị Xuyến gạt nước mưa trên mặt, tất bật đóng rau vào túi để giao hàng.

Khi việc giao hàng cho khách đã xong xuôi, chị Xuyến mới thở phào nhẹ nhõm. Chị đưa ánh mắt tràn đầy hạnh phúc về phía đỉnh núi đá chìm trong mây mù mà cảm thán: “Mưa thế này, cây rau mít mới phát triển tốt. Lạ ở chỗ là giống rau rừng này cứ ở gần núi đá mới ngon. Nó ưa đất đồi, chứ không thể trồng ở chân ruộng thấp”.

Bất chấp cơn mưa chiều nặng hạt, chị Xuyến dẫn tôi đi thăm đồi. Khu vườn lạ nhất ở đất Mường trồng toàn rau rừng. Vượt qua con suối to, chúng tôi ngược dốc lên trang trại trồng rau mít của chị Xuyến.

Loại rau đặc sản lấy từ rừng về vườn, chị nông dân Hòa Bình trồng thành công, bất ngờ thu tiền tỷ - Ảnh 5.

Cây giống rau mít do chị Xuyến ươm trồng. Ảnh: Hoài Linh.

Trong màn mưa giăng mắc, từng hàng rau hiện lên như những luống chè của bà con ở vùng trung du. Nếu không có giới thiệu của chị Xuyến, chẳng ai tin đây là thứ rau ngon trứ danh đất Mường.

 

Vườn rau được trồng theo hàng, theo lối, cao ngang eo lưng người con gái Mường. Cây nào cây nấy khỏe khoắn vươn mình đón cơn mưa hè mát lành. Hàng cây xanh mướt, lá non mơn mởn tựa như sức sống mãnh liệt của bà con người Mường.

Rau mít mở lá ra đến đâu phải hái tới đó. Người hái phải nhẹ nhàng vặt từng lá, cho vào gùi. Nếu hái mạnh tay, rau sẽ bị giảm chất lượng.

Chị Xuyến giới thiệu: “Rau mít có rất nhiều nhựa như nhựa cây mít. Khi hái phải đeo găng tay, nếu không nhựa cây dính vào tay không làm được gì. Người hái lựa từng lá và búp rau. Khác với cây rau sắng (bà con người Mường gọi tắc sắng), cây rau mít không bẻ được cành, chỉ nấu được lá non, nên việc thu hái vô cùng vất vả và cực nhọc”.

Loại rau đặc sản lấy từ rừng về vườn, chị nông dân Hòa Bình trồng thành công, bất ngờ thu tiền tỷ - Ảnh 7.

Rau mít được trồng hoàn toàn tự nhiên có vị giòn, ngọt và bùi. Ảnh: Hoài Linh.

Hiện chị Xuyến đã trồng được gần 2 vạn cây rau mít, phủ kín 2 ha đất đồi của gia đình. Có những gốc cây to bằng cái phích, chúng tỏa bóng mát sum suê.

“Giống rau này khỏe lắm. Trời cứ mưa là chúng đâm chồi, nảy lộc. Cứ 18 ngày tôi lại hái được một lứa. Mỗi lứa thu được cả tấn rau mít”, chị Xuyến vừa chỉ về đám rau mít chìm nghỉm trong mưa mà lòng vui rộn ràng.

Cây rau mít hầu như không bị sâu ăn. Chúng sinh trưởng tốt trên vùng đất đồi, khô cằn. Cả năm chị Xuyến không phải tưới. Vào đầu mùa mưa, chị bón cho chúng ít phân chuồng. Chúng sống khỏe, có lẽ nhờ đặc trưng này mà nó cho chất lượng ngon hơn so với các loại rau rừng khác như tầm bóp, lạc tiên, rau dớn…

 

Theo tính toán của chị, mỗi cây rau trưởng thành (5-7 năm), mỗi vụ cho thu 4kg rau, thì 1ha trồng vạn cây, sẽ cho thu 30 đến 40 tấn.

“Nhu cầu tiêu thụ rau mít rất lớn, cơ sở của tôi mới chỉ đáp ứng được một phần nhỏ. Giá bán rau mít tại vườn là 50.000đ/1kg, trừ chi phí thu hái, người trồng vẫn lãi hơn nửa tỷ đồng. Hơn nữa, trồng rau mít không phải chăm sóc nhiều.

Trồng 1 lần thu cả đời. So với những cây lương thực khác như ngô, lúa, 1ha rau mít cho thu nhập cao gấp mấy chục lần. Bà con trồng rau mà cả đời không phải dùng đến thuốc bảo vệ thực vật”, chị Xuyến phân tích.

Cạnh đồi rau mít xanh mướt, tươi tốt là khu vườn chị Xuyến dành riêng ra để ươm giống. Sau cả chục năm thu gom giống ngoài tự nhiên, dần dần lượng cây cũng ít. Trong khi thấy hiệu quả của cây rau mít mà chị Xuyến trồng, bà con người Mường cũng bắt đầu có ý thức thu gom về để trồng.

Nguồn giống ngoài tự nhiên gần như không còn, chị Xuyến đã nghĩ ra cách ươm cây giống. Muốn sản xuất lớn, đáp ứng đủ nhu cầu thị trường, nguồn cây giống sẽ quyết định tới việc gia tăng diện tích.

Do chưa có kinh nghiệm trong việc nhân giống, chị Xuyến phải làm đi, làm lại nhiều lần. Vừa làm vừa rút kinh nghiệm, dần dần chị cũng nắm được đặc tính của thứ cây rau rừng trứ danh đất Mường này.

“Vào mùa đông, đặc biệt là trong tháng 11 và tháng 12 âm lịch, cây rau mít gần như ngủ, chúng không phát triển. Mình phải đốn như đốn chè. Nhân giống vào đầu mùa hè là tốt nhất. Cây phát triển nhanh và tỷ lệ sống cao”, vừa dẫn chúng tôi đi thăm vườn cây giống, chị Xuyến chia sẻ.

 

Cơ hội làm giàu từ rau mít

Bà con người Mường từ xưa đến nay vẫn quen ăn các loại rau rừng như tầm bóp, rau đu đủ, lạc tiên, rau dớn và rau mít. Trong đó, rau mít được bà con sử dụng nhiều nhất, vì nó có quãng thời gian thu hoạch dài nhất, nó chỉ không ra lộc vào 3 tháng mùa đông. Rau mít có vị bùi, ngọt, giòn dùng để xào thịt bò, thịt trâu hay nấu canh đều ngon.

Mỗi khi gia đình có khách quý đến đất Mường mới được thưởng thức thứ rau đặc sản này. Trong câu chuyện, chị Xuyến còn kể lại về một vị quan nổi tiếng ở đất kinh kì khi đi tuần qua đất Mường. Bà con sử dụng hạt dổi nướng cá, dùng rau mít xào thịt trâu đãi khách.

Vị quan thượng thư này ăn đặc sản đất Mường mà tấm tắc khen ngon. Thời gian đi tuần đã hết mà vị quan này dâng sớ với triều định xin ở lại với các quan lang Mường để được thưởng thức đặc sản của miền sơn cước.

Câu chuyện xưa chưa biết thực hư đến đâu, chứ khách du lịch tới đất Mường được thưởng thức rau mít thì không thể quên vị bùi, ngọt, giòn của rau mít. Ai ăn một lần cũng nhớ mãi và hỏi mua thứ rau rừng này về đất Thủ đô làm quà. Nhờ vậy mà vườn rau của chị Xuyến chưa đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường.

Các nhà hàng ở khu nghỉ dưỡng Kim Bôi hay ở thị trấn Lương Sơn luôn phải đặt rau trước cả tuần mới có được. Đây là cơ hội để bà con người Mường ở xã Cao Sơn mở rộng diện tích và gia tăng thu nhập từ rau mít.