Hơn 100 hộ dân trồng sầu riêng, chôm chôm gửi đơn “cầu cứu” lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long vì lý do rất bất ngờ

Vườn sầu riêng, chôm chôm chết dần từng ngày không có cách nào khắc phục được, hơn 100 hộ dân gửi đơn tập thể kiến nghị đến lãnh đạo UBND tỉnh Vĩnh Long cũng như các sở, ngành có liên quan nhờ can thiệp, giúp đỡ.

Người dân bất lực nhìn vườn cây ăn trái chết dần từng ngày

Người dân ở xã Bình Hòa Phước, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long phản ánh với phóng viên Dân Việt, nhiều vườn cây ăn trái (chủ yếu là sầu riêng và chôm chôm) chết bất thường trong vài tháng qua, gây thiệt hại quá nặng nề.

Hơn 100 hộ dân trồng sầu riêng, chôm chôm gửi đơn "cầu cứu" lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long vì lý do rất bất ngờ- Ảnh 1.

Vườn chôm chôm chết dần từng ngày ở xã Bình Hòa Phước, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long. Ảnh: A.P

Cụ thể, bà Nguyễn Thị Sáu cho hay, gia đình có 4.000m2 diện tích trồng chôm chôm. Nhiều năm trước, vườn chôm chôm cho thu nhập khá nhưng vài tháng gần đây, cây không ra trái được và cứ suy kiệt, chết dần.

“Vườn chôm chôm của tôi gần 30 năm tuổi, tiền phân bón, tiền thuốc tốn nhiều lắm nhưng không thu hoạch được 1 trái nữa, nó cứ chết dần” – bà Sáu nói.

Theo chị Nguyễn Thị Tuyết, kinh tế gia đình phụ thuộc vào vườn cây ăn trái nhưng giờ đây, cây chết dần mà gia đình không cách nào khắc phục được.

Chị Tuyết cũng cho biết, gia đình đang nợ 120 triệu đồng của 2 ngân hàng và tiền mua phân hơn 20 triệu đồng. Do vườn cây ăn trái chết bất thường nên gia đình chỉ nhờ vào việc chồng chị đi làm theo dạng ai thuê làm này nào hay ngày ấy, không thuê thì ở nhà.

Hơn 100 hộ dân trồng sầu riêng, chôm chôm gửi đơn "cầu cứu" lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long vì lý do rất bất ngờ- Ảnh 2.

Vườn sầu riêng chết dần từng ngày ở xã Bình Hòa Phước, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long. Ảnh: A.P

Anh Trương Hữu Sang thì cho biết, trước tình trạng cây sầu riêng chết bất thường, anh đã quyết định đốn bỏ khoảng 50 cây. Khi trồng lại, cây cũng không phát triển, cứ lên cao khoảng 1m là vàng lá.

Cũng như các hộ dân trên, ông Nguyễn Văn Nhàn có vườn sầu riêng bị thiệt hại nặng. Qua trao đổi với các kỹ sư nông nghiệp, ông được biết tình trạng cây sầu riêng vườn nhà rất khó cứu, nếu cứu sẽ tốn rất nhiều chi phí và cũng không mang lại hiệu quả.

Hơn 100 hộ dân trồng sầu riêng, chôm chôm gửi đơn "cầu cứu" lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long vì lý do rất bất ngờ- Ảnh 3.

Người dân cưa bỏ vườn chôm chôm. Ảnh: A.P

Do có nhiều hộ dân phản ánh có vườn cây ăn trái bị suy kiệt, chết dần một cách bất thường nên chưa thống kê cụ thể tổng diện tích bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, giá trị thiệt hại là rất lớn.

Ta hỏa khi phát hiện nguồn nước nhiễm mặn, xuất phát từ cơ sở nuôi lươn

Trước tình trạng vườn sầu riêng, chôm chôm chết bất thường trong tình trạng kéo dài và không khắc phục được, người dân đã mời lãnh đạo cán bộ UBND xã Bình Hòa Phước đến kiểm tra mẫu nước. Kết quả khiến ai cũng bất ngờ khi vào mùa mưa mà độ mặn trong các mương vườn được đo vào ngày 20/5 vừa qua là 0.3‰.

Hơn 100 hộ dân trồng sầu riêng, chôm chôm gửi đơn "cầu cứu" lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long vì lý do rất bất ngờ- Ảnh 4.

Kiểm tra độ mặn tại cơ sở nuôi lươn ở xã Bình Hòa Phước. Ảnh: A.P

Từ kết quả kiểm tra mẫu nước, người dân hiểu rằng, nguồn nước vốn nhiễm mặn từ lâu. Do không hay biết, người dân đã lấy nước nhiễm mặn tưới cây, dẫn đến thiệt hại nặng nề.

Theo người dân, không chỉ ở mức 0.3‰, có lúc độ mặn trong các con mương vườn đỉnh điểm lên đến 0.7 hoặc 0.8‰.

Liên quan đến vấn đề này, theo ông Trần Văn Cảnh – Chủ tịch UBND xã Bình Hòa Phước, có phân công một phó chủ tịch UBND xã phối hợp với trưởng ấp xuống dân chứng kiến và ký vào sổ đo độ mặn trong mương vườn, có lúc độ mặn cao nhất là 0.8‰.

Do nguồn nước đầu nguồn dẫn vào khu vườn của người dân xã Bình Hòa Phước là nước ngọt. Vì vậy, người dân nghi ngờ việc miễn mặn là do nguồn nước ngầm phục vụ nuôi lươn ở địa phương bị nhiễm mặn và do trong quá trình nuôi có sử dụng muối khử khuẩn các bể.

Người dân sau đó đã gửi đơn phản ánh đến ngành chức năng huyện Long Hồ. Kết quả ngành chức năng xác định, nguồn nước ngầm được lấy lên từ giếng khoan để nuôi lươn tại xã Bình Hòa Phước bị nhiễm mặn. Điều đáng nói là nguồn nước nhiễm mặn này được xả trực tiếp ra các con sông công cộng, rồi dẫn vào các con mương đang trồng cây ăn trái.

Được biết, ở xã Bình Hòa Phước có khoảng 30 cơ sở nuôi lươn. Để tiếp tục mưu sinh trên mảnh đất quê hương, đã có trên 100 người dân trồng sầu riêng, chôm chôm gửi đơn tập thể kiến nghị đến lãnh đạo UBND tỉnh Vĩnh Long cũng như các sở, ngành có liên quan nhờ can thiệp, giúp đỡ.