Một con vật chả thấy mắt mũi đâu, sóng biển đánh dạt vô bờ ở một nơi của TT-Huế, dân lội nước vợt lên bán

Từ sau tháng Giêng đến nay, sứa biển đã bắt đầu xuất hiện ở huyện Phú Lộc (tỉnh Thừa Thiên Huế). Tùy theo con nước, sứa thường bị sóng đánh dạt vào bờ. Đây cũng là thời điểm nhiều người đi biển thử vận may với việc nhặt sứa.

Theo ông Cư, một ngư dân có kinh nghiệm lâu năm trong nghề tại xã Giang Hải (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế), thông thường, những khi giăng lưới đánh bắt cá, các tay lưới thường vô tình bủa luôn cả sứa.

“Nhưng do giá trị không quá cao, tàu của tôi cũng không mấy mặn mà với loại hải sản này. Tùy con nước mỗi năm mà từ tháng Giêng đến cuối tháng Ba âm lịch, sứa sẽ nổi rất nhiều. Nếu biển động thì thường sứa sẽ bị sóng nước đánh dạt vào bờ”, ông Cư nói.

Nhiều năm nay, anh Trung, khách tắm biển tại bãi biển xã Giang Hải đã quen với việc nhặt sứa biển. Anh cho biết: “Đầu hè năm nào tôi cũng kết hợp tắm biển và đi dạo dọc khu vực tắm. Năm ngoái và năm kia, lần nào tôi cũng nhặt được sứa biển. Mong rằng năm nay tôi cũng gặp may để có sứa mang về cho gia đình thưởng thức”.

Cùng niềm vui khi mùa sứa biển đến như anh Trung, nhưng với anh Hải (Phú Lộc) để cơ hội gặp sứa cao hơn, anh đã chịu khó “đầu tư” cả công sức và thời gian.

Những lúc rỗi việc, anh thường dùng xe máy chạy dọc bờ từ biển xã Vinh Mỹ về gần biển Hàm Rồng (xã Vinh Hiền). Khu vực nào không chạy xe được thì anh vừa đi bộ vừa quan sát mép nước.

Anh Hải cho biết: “Ngày nào gió lớn, sóng to, nhất là vào buổi sáng sớm và chiều tối, sứa  biển sẽ hay dạt vào bờ. Hôm thì tôi chẳng thu được gì, hôm thì nhặt được 4 – 5 con sứa”.

Một con vật chả thấy mắt mũi đâu, sóng biển đánh dạt vô bờ ở một nơi của TT-Huế, dân lội nước vợt lên bán- Ảnh 1.

Mùa sứa biển sẽ kéo dài đến cuối tháng Ba âm lịch ở vùng biển huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Sứa biển ăn được thường có nhiều kích thước khác nhau, có con chỉ nhỏ cỡ nắp vung nhưng cũng có con đường kính hơn nửa mét. So với các năm, năm nay, lượng sứa trôi vào bờ khá ít, cơ may của những người thích nhặt sứa cũng ít đi. Nhưng không vì thế mà sức hấp dẫn từ loại hải sản này giảm bớt.

Sứa biển thường rất nhớt và gây ngứa, ngoài ra chúng còn dính nhiều cát, người nhặt sứa thường phải học cách nhặt và sơ chế sứa để đảm bảo vệ sinh. Tại các bãi biển, bao tải là dụng cụ hữu dụng rất hay được những người đi nhặt sứa ưa chuộng khi vừa tránh được cát, vừa trôi được nước biển và nhớt của sứa ra ngoài. Đó cũng là đặc điểm nhận diện dễ nhất những người say mê với món quà đến từ biển khơi.

Anh Hải cho biết thêm: “Sứa đã dạt vào bãi cát thì khó sơ chế hơn vì dính đất cát nhiều. Nhưng với sứa đang trôi gần mép nước, tôi thường nhặt lên liền và cho vào bao. Loại sứa này sạch cát hơn, sơ chế cũng dễ hơn”.

Không chỉ mang đến niềm vui, việc nhặt sứa còn tạo thêm thu nhập đáng kể cho anh Hải. Anh cho biết: “Hiện nay, tại các chợ cá, giá sứa biển vẫn đang giữ ổn định từ 5 – 15 nghìn đồng/kg tùy phần thân hay chân sứa, nếu hôm nào may, tôi vẫn thu được tiền trăm từ việc nhặt sứa. Vừa có thức ăn ngon cho gia đình, vừa có thêm tiền, với tôi, quả thật con sứa chính là lộc biển”.

Là nhà có truyền thống ngư nghiệp, thế nhưng từ lâu, gia đình anh Hải đã không còn cùng các bạn chài đi biển. Cuộc sống khấm khá hơn, anh Hải và nhiều người dân khác tại địa phương đã có thêm nhiều nghề để lựa chọn. Nhưng với anh, hơn cả thu nhập, việc nhặt sứa biển còn mang lại niềm vui khác.

Anh bộc bạch: “Tôi luôn nhớ về kỷ niệm khi còn bé. Đó là những đêm thuyền vào, cả xóm sửa soạn quang gánh, đèn dầu ra đợi. Tôi cùng mạ cũng ngồi trên đòn gánh ngóng đợi ba về. Rồi niềm hứng khởi khi biển được mùa, tấm lưới đầy ắp tôm, cá, sứa, mực. Vì thế tôi rất vui khi được đi nhặt sứa, cảm giác như chính tôi đã trở lại ngày mà mạ tôi vẫn còn”.

Mỗi ngày, nhiều người dân như anh Trung và anh Hải vẫn đang tích cực tìm sứa trên bờ biển. Không chỉ vì sứa là sản vật từ biển khơi mà còn bởi mùa của thứ lộc trời ban này chỉ còn kéo dài thêm non tháng nữa.