Trên rú cát rộng bao la ở xã Quảng Thái (Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế) mới đây xuất hiện trang trại trồng dưa lưới trong nhà màng ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm bằng năng lượng mặt trời hứa hẹn mang lại hiệu quả về kinh tế cao với năng suất, chất lượng vượt trội.
Một ngày đầu hè 2024, chúng tôi đến thăm mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm bằng năng lượng mặt trời tại rú cát thuộc thôn Tây Hoàng, xã Quảng Thái của hộ gia đình ông Trần Trọng.
Đây là mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đầu tiên trên địa bàn xã Quảng Thái bước đầu đem lại hiệu quả về kinh tế với năng suất, chất lượng vượt trội so với sản xuất thông thường, nhằm từng bước thay đổi cách nghĩ, cách làm của nông dân trên địa bàn xã.
Được sự hỗ trợ của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thừa Thiên Huế, công trình của Dự án Phát triển mô hình trồng dưa lưới vùng rú cát trang trại, xã Quảng Thái ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm bằng năng lượng mặt trời với tổng trị giá đầu tư trước thuế là 5,4 tỷ đồng, gia đình ông Trần Trọng bắt tay vào trồng dưa lưới trong nhà màng ứng dụng công nghệ cao.
Với 2 khu vực nhà màng, mỗi nhà trên 1.050m2, ông Trần Trọng trồng mỗi khu 2.400 cây dưa lưới/vụ (các giống dưa lưới Đông Phong, dưa lưới Ichiba và dưa lê Kim Hoàng Hậu) và được trồng xen kẽ 60 ngày. Mỗi cây được trồng riêng trong từng túi bầu với giá thể xơ dừa đã qua xử lý.
Mô hình trồng dưa lưới, dưa Kim Hoàng Hậu trong nhà lưới dựng trên rú cát của gia đình ông Trần Trọng, nông dân xã Quảng Thái (huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế).
Với sự hỗ trợ của chuyên gia, để bảo đảm cây dưa phát triển đồng đều thì nguồn nước, phân bón đều được chuyển qua hệ thống tưới nhỏ giọt hiện đại theo công nghệ bán thủy canh của Israel giúp chất dinh dưỡng được hấp thụ tốt, đáp ứng từng giai đoạn sinh trưởng của cây.
Vào thời điểm dưa lưới ra hoa, phải tiến hành thụ phấn bằng ong, khi cây ra quả mỗi cây chỉ giữ lại một quả đẹp nhất để nuôi cho tới khi thu hoạch. Để cây tập trung dinh dưỡng vào nuôi quả cũng như phòng tránh dịch bệnh, phải thường xuyên cắt tỉa lá, nhánh, tạo sự thông thoáng cho vườn.
Ông Trần Trọng cho biết: Trồng dưa lưới không khó, nhưng cần am hiểu kỹ thuật chăm sóc và biết cách phòng trị bệnh theo từng giai đoạn phát triển của cây. Các loại bệnh cần phát hiện sớm để kịp thời xử lý, mỗi dây chỉ để 1 quả duy nhất; chăm sóc tốt thì chất lượng quả cũng tốt và bán được giá.
Hệ thống nhà màng trồng dưa lưới của gia đình đem lại những ưu điểm như giúp chắn mưa, nắng, ngăn côn trùng xâm nhập, chủ động chế độ dinh dưỡng, kiểm soát nhiệt độ, độ ẩm trong vườn. Để phòng bệnh và bảo đảm sản phẩm an toàn nên chỉ sử dụng phân bón hữu cơ sinh học để bón cho vườn dưa.
Mỗi vụ dưa lưới kéo dài từ 85 – 90 ngày; mỗi quả dưa đến kỳ thu hoạch có trọng lượng từ 1,5 – 2,5 kg. Dưa lưới sản xuất trong nhà màng có thể canh tác được 3 vụ/năm.
Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật, hệ thống nhà màng đảm bảo nên cây dưa sinh trưởng và phát triển khá tốt, sản lượng dưa lưới thu hoạch đạt khoảng 9,6 tấn/vụ/2.100m2 nhà màng (2 nhà). Hiện nay sản phẩm dưa lưới đang đến kỳ thu hoạch và được bán với giá từ 40 – 45 nghìn đồng/kg, gia đình ông thu về hơn 364 triệu đồng/vụ, nếu mỗi năm trồng ba vụ thì tổng doanh thu trên 1 tỷ đồng.
Mặc dù mới xuất hiện trên thị trường, nhưng sản phẩm dưa lưới của gia đình ông Trần Trọng đã được nhiều người biết đến.
Việc áp dụng khoa học – kỹ thuật vào sản xuất, tuân thủ quy trình, kiểm soát chặt chẽ từ khâu chọn giống, trồng, chăm sóc cho đến khi dưa được thu hoạch, mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng, ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt của ông Trần Trọng đã mở ra hướng đi triển vọng trong sản xuất nông nghiệp ở địa phương.
Đây cũng là cơ hội giúp nông dân học hỏi kinh nghiệm, tiếp cận với kỹ thuật công nghệ tiên tiến để tạo ra sản phẩm sạch, an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng.
Ông Trần Đương, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Thái cho biết: Mô hình trồng dưa lưới của ông Trần Trọng được xem là một trong những mô hình lớn nhất của xã từ trước đến nay. Đây là mô hình nông nghiệp công nghệ cao, thích ứng với biến đổi khí hậu, giúp nông dân chủ động trong sản xuất, giảm lệ thuộc vào thời tiết, khí hậu.
Mô hình thành công sẽ mở ra triển vọng mới trong việc liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm giữa nông dân và doanh nghiệp, từng bước đưa sản xuất nông nghiệp của xã Quảng Thái nói riêng, huyện Quảng Điền nói chung phát triển lên tầm cao mới.
Trong điều kiện hiện nay, nhu cầu về sản phẩm sạch ngày càng được người tiêu dùng quan tâm chú trọng, thì việc xây dựng các mô hình sản xuất nông sản an toàn, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất đang được người nông dân quan tâm hưởng ứng.
Mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng áp dụng công nghệ cao, không những mang lại hiệu quả kinh tế cao mà còn góp phần làm thay đổi tư duy, thói quen, tập quán canh tác của nông dân, từ sản xuất nông nghiệp truyền thống sang sản xuất nông nghiệp sạch gắn với nhu cầu của thị trường.