Trong vài năm trở lại đây, mận xanh đường được xem là một trong những loại cây trồng đem lại giá trị kinh tế cao cho nhiều nhà vườn ở một số địa phương trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, trong đó có huyện Long Phú.
Với tiềm năng về kinh tế từ cây mận xanh đường đem lại, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Long Phú đã triển khai thực hiện mô hình trồng mận xanh đường tại hộ ông Lê Quốc Lâm, ấp An Đức, thị trấn Đại Ngãi. Đến nay, vườn mận đang vào chính vụ, với một vụ mùa bội thu.
Vườn mận xanh đường của ông Lê Quốc Lâm có diện tích 3.000m2. Qua 17 tháng trồng thì cây mận xanh đường cho thu hoạch.
Trong giai đoạn đầu, cây ra hoa kết trái, để tránh ruồi vàng và các loại sâu hại tấn công trái, ông dùng lưới bao từng chùm hoặc toàn bộ cây.
Theo ông Lâm, cách làm này không cần dùng thuốc bảo vệ thực vật, mang đến 2 cái lợi, giảm chi phí sản xuất và người tiêu dùng cũng ưa chuộng khi trái cây được sản xuất theo hướng an toàn.
Ông Lâm tâm sự: “Thông qua sự hỗ trợ của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, tôi đã mạnh dạn chuyển đổi cây trồng “thu về trái ngọt”. Chi phí đầu tư cho vườn mận đã được Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện hỗ trợ 50%, tôi chỉ đầu tư thêm khoảng 120 triệu đồng.
Cây mận xanh đường tại vườn nhà ông Lê Quốc Lâm, ấp An Đức, thị trấn Đại Ngãi, huyện Long Phú (tỉnh Sóc Trăng) đang cho trái vụ đầu tiên với năng suất tốt. Ảnh: THÚY LIỄU.
Mận xanh đường trồng khá dễ, chỉ cần tưới nước, bón phân đúng theo quy trình kỹ thuật ngành chuyên môn khuyến cáo là cây phát triển xanh tốt. Vụ mùa đầu tiên này, tôi thu hoạch ước chừng hơn 3,5 tấn.
Thu hoạch xong đợt mận này, tôi sẽ ngưng hái mận khoảng 2 tháng để dưỡng cây và sau đó sẽ hái trái lại bình thường, vì đặc tính của giống mận xanh đường này là cho trái quanh năm.
Giá bán mận xanh đường được thương lái thu mua tận vườn là 80.000 đồng/kg, ước tính lợi nhuận đợt mận những tháng đầu năm hơn 200 triệu đồng, số tiền trên cao hơn gấp nhiều lần so với trồng màu”.
Ông Lâm đã chọn canh tác mận theo hướng hữu cơ, không phun xịt thuốc bảo vệ thực vật dưỡng cây, dưỡng trái, còn phân bón dùng cho cây hoàn toàn là loại phân hữu cơ.
Theo ông Lâm, bí quyết để giữ độ ngọt cho mận, thì trong suốt quá trình thu hoạch trái ông hạn chế tưới nước và không bón phân cho cây.
Dự định tới, ông Lâm sẽ mở rộng diện tích trồng mận lên 7.000m2 để tăng sản lượng mận cung ứng ra thị trường, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng.
“Mận xanh đường là cây trồng mới trên địa bàn thị trấn. Bước đầu cho thấy, cây đem lại nguồn thu nhập tốt cho nhà vườn, đặc biệt qua quá trình theo dõi từ lúc cây còn nhỏ đến lúc cây cho thu hoạch trái thì khá phù hợp với điều kiện tự nhiên tại địa phương, minh chứng là cây đã và đang cho trái rất tốt.
Để nâng cao giá trị và quảng bá sản phẩm đặc trưng của địa phương, thị trấn đang hoàn chỉnh hồ sơ đối với trái mận xanh đường tham gia hội thi đánh giá xếp hạng sản phẩm OCOP trong năm 2024.
Đồng thời,địa phương cũng có kế hoạch nhân rộng mô hình trồng mận xanh đường trên địa bàn thị trấn”, đồng chí Nguyễn Ngọc Huyền Trang – Phó Chủ tịch UBND thị trấn Đại Ngãi cho biết.
Đồng chí Lâm Văn Vũ – Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Long Phú (tỉnh Sóc Trăng) thông tin, diện tích trồng mận xanh đường trên địa bàn huyện hơn 8ha, trong đó có một số nhà vườn trồng hơn 1ha.
Từ tiềm năng kinh tế của cây mận xanh đường, huyện đã triển khai thực hiện các mô hình hỗ trợ cho nhà vườn trồng tại hộ. Hầu hết các mô hình đều đã cho trái đạt năng suất, sản lượng tốt, điển hình như hộ ông Lê Quốc Lâm.
Hướng tới, đơn vị sẽ tuyên truyền đến nông dân chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng mận xanh đường và một số giống mận khác có giá trị kinh tế cao, vì cây mận phù hợp vùng đất trên địa bàn huyện, nhằm góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho nông dân.