Xuất khẩu thủy sản phục hồi ở những thị trường chính
Cụ thể, theo bà Lê Hằng, Giám đốc Truyền thông của VASEP, trong tháng 4, xuất khẩu thủy sản sang Mỹ tăng 10% so với cùng kỳ năm 2023, đạt 141 triệu USD. Xuất khẩu tăng nhờ sự hồi phục mạnh các mặt hàng cá ngừ, cá tra và cá biển.
Trong khi đó, xuất khẩu tôm, cua ghẹ và mực bạch tuộc vẫn thấp hơn 2-3% so với cùng kỳ năm 2023. Dù mới có kết quả sơ bộ, nhưng vụ kiện chống trợ cấp tôm nhập khẩu từ 4 nước, trong đó có Việt Nam đã ảnh hưởng đến việc xuất khẩu tôm sang Mỹ, vì ngay sau khi có kết quả sơ bộ, các nhà nhập khẩu phải đóng tiền đặt cọc khi nhập khẩu tôm.
Riêng xuất khẩu cá tra sang Mỹ tăng 34% trong tháng 4. Giá trung bình xuất khẩu cá tra đã có xu hướng cải thiện dần trong 4 tháng đầu năm nay, từ mức thấp 2,4 USD/kg vào tháng 12/2023 đã lên tới 2,9 USD/kg vào tháng 4/2024. Nhìn chung giá trung bình xuất khẩu cá tra đông lạnh sang Mỹ 4 tháng đầu năm nay đã tăng khoảng 24% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ngược với thị trường Mỹ, xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc tiếp tục rớt giá. Tới tháng 4/2024, giá cá tra xuất khẩu sang Trung Quốc giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 7/2021, đạt 1,89 USD/kg. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu cá tra lớn nhất của Việt Nam.
Tính đến hết tháng 4, xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Trung Quốc đạt 406 triệu USD, tăng 11% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng trong tháng 4, xuất khẩu sang thị trường này chỉ tăng 4% đạt 130 triệu USD. Trong đó, 2 mặt hàng chủ lực là tôm và cá tra chỉ tăng nhẹ 4-5%, chỉ riêng cua và nhuyễn thể có vỏ tăng đột phá: cụ thể là xuất khẩu cua sang Trung Quốc tăng gấp hơn 11 lần, xuất khẩu nhuyễn thể có vỏ tăng gấp hơn 3 lần.
Theo chuyên gia của VASEP, kinh tế Trung Quốc đang chững lại khiến người tiêu dùng thận trọng hơn trong chi tiêu, các nhà nhập khẩu buộc phải tập trung vào các mặt hàng giá rẻ hơn, do vậy, cá tra ngày càng có chỗ đứng trên thị trường này.
Có giá rẻ hơn hẳn so với các loài cá nội địa của Trung Quốc như cá chép, cá rô phi, cá quả, nên cá tra được người tiêu dùng nước này ưa chuộng, nhất là những gia đình muốn nấu ăn tại nhà. Cá tra cũng là loài được các bà mẹ yêu thích làm thực đơn cho trẻ em vì đặc tính cá trắng, thịt mềm, ít xương và bổ dưỡng…
Ngoài ra, nhờ tiêu thụ hồi phục ở phân khúc nhà hàng khách sạn và du lịch, thủy sản tươi sống của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc năm nay đã có tăng trưởng đột phá. 4 tháng đầu năm nay, riêng thủy sản sống xuất khẩu sang Trung Quốc có doanh thu cao gấp hơn 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái, đạt trên 104 triệu USD, chiếm gần 26% giá trị xuất khẩu thủy sản sang thị trường này. Những loài thủy sản xuất sống sang Trung Quốc điển hình là tôm hùm xanh, cua, ốc hương, nghêu lụa, lươn, tôm tít…
Đáng chú ý là trong tháng 4, xuất khẩu sang thị trường EU có mức tăng trưởng cao nhất trong các thị trường chính, với mức tăng 22%. Trong đó, xuất khẩu tôm sú sang EU tăng gấp 3 lần, tôm chân trắng tăng 32%, cá tra tăng 27%, xuất khẩu cá ngừ tăng 70%.
“Kết quả xuất khẩu tháng 4 cho thấy đã có những biến chuyển thuận lợi ở các thị trường. Do vậy, 4 tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản đã mang về trên 2,7 tỷ USD, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2023. Xu hướng này có thể sẽ tiếp tục tốt dần lên trong quý II và bứt phá trong nửa cuối năm nếu như điều kiện và nguồn nguyên liệu, giá nguyên liệu và các chi phí đầu vào cho sản xuất, chế biến xuất khẩu ổn định trong thời gian tới”, chuyên gia của VASEP nhận định.
Sản phẩm giá trị gia tăng được tiêu thụ tốt
Theo Hiệp hội Chế biến và XK thủy sản Việt Nam (VASEP), các sản phẩm cá tra chế biến giá trị gia tăng là một bất ngờ trong bức tranh xuất khẩu cá tra những tháng đầu năm 2024. Thống kê cho thấy, trong quý I/2024, trong khi xuất khẩu cá tra phile đông lạnh giảm 5% thì xuất khẩu sản phẩm cá tra chế biến giá trị gia tăng tăng tới 16% và xuất khẩu cá tra khô tăng gần 9%.
Trong đó, 2 dòng sản phẩm phụ là bong bóng cá tra và snack da cá lại ghi nhận mức tăng khả quan. Riêng XK bong bóng cá tra đạt 19,4 triệu USD, tăng 17%, với thị trường tiêu thụ chính là Trung Quốc chiếm 79%.
Tại thị trường Mỹ, theo VASEP, các sản phẩm chế biến giá trị gia tăng từ cá tra cũng đang lên ngôi. Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, xuất khẩu cá tra sang Mỹ trong tháng 4/2024 ghi nhận nhiều tín hiệu lạc quan với giá trị đạt gần 38 triệu USD, tăng 34% so với tháng 4/2024. Tính đến hết tháng 4, thị trường này tiêu thụ 102 triệu USD sản phẩm cá tra, tăng 19% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đáng chú ý, theo VASEP, kể từ đầu năm nay, Mỹ liên tục tăng mạnh nhập khẩu các sản phẩm cá tra giá trị gia tăng từ Việt Nam. Tháng đầu năm, Việt Nam XK gần 295.000USD cá tra giá trị gia tăng sang Mỹ, tăng gấp 18 lần so với cùng kỳ; tháng 2/2024 đạt hơn 114.000 USD, tháng 3/2024 tăng 76% với 150.000 USD.
Tháng 4/2024, xuất khẩu các sản phẩm cá tra giá trị gia tăng sang Mỹ đạt hơn 300.000USD. Tính đến hết tháng 4/2024, Mỹ tăng gấp 8,5 lần nhập khẩu các sản phẩm cá tra giá trị gia tăng từ Việt Nam, với 860.000USD.
Theo dự báo của các chuyên gia, sự tiện lợi là yếu tố then chốt đối với người mua hàng. Hải sản có giá trị gia tăng được ướp trước hoặc chế biến sẵn để hâm nóng và ăn sẽ tiếp tục thu hút người mua muốn tạo ra các bữa ăn kết hợp với các món đã chuẩn bị sẵn. Do đó, nhu cầu tiêu thụ đối với các sản phẩm chế biến và đóng hộp sẽ khởi sắc hơn trong thời gian tới.