Gắn bó với nghề làm cây tầm vông ngay từ nhỏ, anh Bùi Nga (xã Diên Phú, huyện Diên Khánh, Khánh Hòa) cho biết: “Gia đình đã có 3 đời làm nghề này, bản thân tôi đã bắt đầu vào nghề năm 18 tuổi. Ban đầu chỉ làm công đoạn đơn giản chặt cây, vận chuyển, sau đó dần dần mới học hỏi kinh nghiệm.
Nghề biến cây tầm vông từ cong thành thẳng và tạo ra các sản phẩm từ cây này không hề đơn giản, để làm ra sản phẩm có chất lượng phải trải qua rất nhiều công đoạn như: Chọn nguyên liệu, chặt cây, vận chuyển, nung lửa rồi uốn cho cây thẳng, đo cắt gọt, đục lỗ,… Tất cả các công đoạn phải làm thật cẩn thận, nếu bất kỳ công đoạn nào hư thì xem như cây đó bỏ đi.
Anh Bùi Nga chia sẻ, những ngày đầu tiên gia đình anh phải nhập nguyên liệu từ tỉnh Bình Phước, do đường xa nên rất tốn chi phí vận chuyển. Dần dần về sau anh đã tìm được nguồn nguyên liệu ở Khánh Vĩnh nên tiết kiệm phần nào chi phí.
Nghề làm cây tầm vông trước đây làm chủ yếu bằng thủ công, nhờ mạnh dạn đầu tư gia đình anh đã mua các loại máy khoan, mài, cắt, uốn, nên sản phẩm ra nhanh hơn và đẹp hơn.
Trung bình mỗi tháng gia đình anh Nga xuất bán khoảng 2.000 cây tầm vông, với giá bán dao động từ 30.000 – 50.000 đồng/cây. Ngoài ra, anh còn làm những cây thang bằng tầm vông với nhiều kích thước khác nhau phục vụ cho khách hàng, giá bán dao động từ 170.000 – 250.000 đồng/thang, mỗi tháng trung bình xuất bán từ 50 – 70 cái.
Ông Trần Quốc Bảo – Chủ tịch Hội Nông dân xã Diên Phú cho biết, trước đây nghề làm cây tầm vông có 2 hộ, tuy nhiên hiện nay anh Nga là hộ duy nhất làm ra sản phẩm từ cây tầm vông, tre để phục vụ khách hàng. Anh Nga là hội viên nông dân của địa phương rất tích cực lao động, nhờ nghề này mà đã tạo việc làm cho các lao động ở địa phương có thêm thu nhập.