Rừng phòng hộ ven biển ở Kiên Giang đóng vai trò quan trọng trong phòng hộ, bảo vệ đê biển, chống sạt lở. Nhằm khuyến khích việc trồng và bảo vệ rừng, Ủy ban nhân dân tỉnh cho phép người dân được nhận giao khoán đất rừng phòng hộ để trồng 70% diện tích cây rừng và khai thác 30% diện tích mặt nước để nuôi thủy sản và các loại nhuyễn thể hai mảnh vỏ. Qua đó, đã giúp cho hàng nghìn hộ dân các ven biển của tỉnh vươn lên thoát nghèo.
Ông Trần Duy Khanh, ấp Vàm Biển, xã Lình Huỳnh, huyện Hòn Đất (tỉnh Kiên Giang) cho hay, những năm đầu khi mới về đây nhận đất giao khoán, kinh tế còn khó khăn nhiều, việc nuôi trồng thủy sản dưới tán rừng chưa thực sự phát huy hiệu quả.
Từ năm 2017 trở lại đây, gia đình ông cải tạo và phân khu vực để nuôi cá bóng mú, nuôi tôm, cua mang lại hiệu quả kinh tế khá cao.
Theo ông Khanh, cá bóng mú nghệ (cá mú nghệ) và cá bóng mú tiêu (cá mú tiêu) là 2 loài nuôi chủ lực của gia đình. Nhờ tham gia các buổi tập huấn kỹ thuật nuôi cá mú và học hỏi kinh nghiệm chọn cá mú giống, cách chăm sóc, xử lý dịch bệnh từ những người nuôi trước nên tỷ lệ cá nuôi nhà ông Khanh đạt khoảng 30-50%.
Ông Khanh cũng cho hay, mặc dù nhà nước cho khai thác cây rừng và chia tỷ lệ phần trăm, nhưng gia đình ông không khai thác với mong muốn để cho cây rừng phát triển tốt, góp phần bảo vệ môi trường, phòng chống sạt lở bờ biển.
Ao nuôi cá bóng mú (cá bống mú, cá mú, cá song) của nông dân xã Lình Huỳnh (huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang) dân nuôi dưới tán rừng phòng hộ.
“Với hơn 2 ha mặt nước nuôi, tôi thả từ 2.000 – 5.000 con cá giống mỗi đợt và cho thu hoạch khoảng 2-3 tấn cá mỗi năm. Nhờ nguồn thức ăn chủ yếu từ tự nhiên kết hợp với cho ăn dặm một ít thức ăn là cá phân (cá biển tạp loại nhỏ) nên lợi nhuận cao hơn so với nuôi công nghiệp, mỗi năm gia đình tôi lời khoảng 200 – 300 triệu đồng”, ông Khanh chia sẻ.
Ông Danh Trung, xã Thổ Sơn, huyện Hòn Đất (tỉnh Kiên Giang) cho biết, gia đình trước đây thuộc diện hộ Khmer nghèo, đời sống khá khó khăn.
Đến năm 2013, được chính quyền địa phương xem xét và tư vấn vào khu vực rừng phòng hộ nhận khoán đất rừng để chăm sóc, bảo vệ rừng, vừa nuôi trồng thủy sản để phát triển kinh tế.
Theo ông Trung, khoảng 3 năm đầu do chưa có kinh nghiệm nên gia đình chỉ khai thác nguồn tôm, cá tự nhiên có sẵn trong vuông nên mỗi năm thu nhập chỉ khoảng 30 – 50 triệu đồng.
“Đến năm 2016, sau khi tìm hiểu một số mô hình nuôi trồng thủy sản, tôi mua cua giống và tôm sú giống về vèo khoảng 1 tháng rồi thả vào vuông, đồng thời sử dụng men vi sinh cải tạo nguồn nước, tạo nguồn thức ăn tự nhiên trong vuông.
Nhờ đó, với 3 ha đất rừng giao khoán, mỗi năm gia đình tôi thu hoạch hơn 1 tấn tôm, cua, cá; lợi nhuận khoảng 100 triệu đồng; gia đình cũng thoát nghèo và lo cho 2 con đi học được đủ đầy hơn”, ông Trung chia sẻ.
Nông dân tham quan mô hình nuôi cá bóng mú (cá mú, cá bống mú, cá song) của hộ ông Trần Duy Khanh tại xã Lình Huỳnh (huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang).
Gắn bó hơn 20 năm với nghề nuôi thủy sản trong rừng phòng hộ, ông Võ Văn Thu, xã Lình Huỳnh cho biết, với diện tích khoảng 5 ha nuôi tôm và cá tự nhiên gồm: tôm sú, cá đói, cá ngát, cá nâu mỗi năm thu nhập từ 200 – 300 triệu đồng.
Gần đây, để tăng hiệu quả kinh tế, ông Thu thả thêm tôm sú giống, cua biển, đồng thời sử dụng men vi sinh cải tạo nguồn nước, tạo tảo để làm thức ăn cho các loài thủy sản. Bên cạnh chăm lo phát triển kinh tế, ông Thu cũng thường xuyên thăm rừng để đề phòng lâm tặc vào khai thác cây rừng.
“Trước khi nhận đất rừng, các chủ rừng đều mưu sinh chủ yếu từ nguồn thủy hải sản tự nhiên, nhưng tôm cá rồi cũng giảm dần, đời sống các chủ rừng ngày khó khăn nên cây rừng cũng bị tàn phá. Nhờ chủ trương cho khai thác 30% diện tích nuôi trồng thủy sản mà đời sống người dân ở đây khấm khá hơn trước và cũng không còn xảy ra các vụ khai thác trái phép cây rừng như trước đây”, ông Thu cho hay.
Theo ông Lê Văn Giàu, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hòn Đất, rừng phòng hộ của huyện khoảng 6.500 ha.
Có 3 xã phát triển mạnh các mô hình nuôi thủy sản dưới tán rừng gồm Thổ Sơn, Lình Huỳnh, Bình Sơn với các loài như tôm sú, tôm thẻ, cua biển, sò huyết và các loài cá.
Những năm qua, đơn vị tổ chức trình diễn một số mô hình nuôi thủy sản do tỉnh đầu tư để các hộ dân tham khảo, đồng thời tổ chức tập huấn kỹ thuật lấy nước vào vuông nuôi, chọn con giống, chăm sóc thủy sản cho nông dân.
Ông Giàu đánh giá, các loài thủy sản được nuôi dưới tán rừng phòng hộ theo hướng an toàn sinh học, không sử dụng thức ăn và thuốc hóa học nên chất lượng thịt ngon hơn so với các mô hình nuôi theo hình thức công nghiệp hoặc bán công nghiệp.
Hướng sắp tới, huyện phối hợp với các ngành liên quan, doanh nghiệp liên kết sản xuất nuôi trồng thủy sản theo quy trình VietGAP để nâng cao giá trị các loài vật nuôi và tăng thu nhập cho nông dân.
Ông Trần Duy Khanh, xã Lình Huỳnh (huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang) nuôi cá bóng mú dưới tán rừng phòng hộ cho thu nhập hơn 100 triệu đồng/ha.
Cũng là huyện có diện tích rừng phòng hộ ven biển khá lớn ở Kiên Giang, trên địa bàn huyện An Biên những năm gần đây khá đa dạng các mô hình phát triển kinh tế dưới tán rừng phòng hộ.
Ông Lê Văn Thuận, xã Nam Thái A, huyện An Biên (Kiên Giang) cho biết, trước đây gia đình nuôi kết hợp tôm- cua biển trong khu vực phòng hộ, nhưng những năm gần đây do tác động của biến đổi khí hậu nên hiệu quả kinh tế của mô hình ngày càng giảm nên đến năm 2020 ông cùng một số nông dân địa phương tìm đến một số mô hình khác để chuyển đổi sản xuất.
Vào thời điểm đó, ông Thuận cùng một số nông dân trong xã được hỗ trợ từ Dự án Chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững Đồng bằng sông Cửu Long, ông và một số hộ dân đã chuyển sang nuôi sò huyết dưới tán rừng.
Tham gia dự án, nông dân được hỗ trợ 50% tiền con giống, chế phẩm sinh học, dụng cụ đo môi trường, được tập huấn kỹ thuật chọn con giống, xử lý nguồn nước nên mô hình đạt hiệu quả cao.
“Qua hơn 3 năm nuôi sò huyết cho thấy lợi nhuận mang lại tăng khoảng 3 lần so với nuôi tôm, cua biển. Hiện tại, sò huyết cỡ lớn khoảng 80 con/kg hiện có giá 140.000 đồng/kg; loại vừa từ 100 con/kg bán giá 90.000 đồng/kg. Sò huyết nuôi từ 10 – 12 tháng là thu hoạch và lợi nhuận trung bình của gia đình tôi khoảng 100 triệu đồng/ha/vụ”, ông Thuận cho hay.
Theo ông Trang Minh Tú, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện An Biên, rừng phòng hộ ven biển thuộc địa bàn huyện An Minh và An Biên có chiều dài 60 km, với diện tích trên 4.000 ha có điều kiện tự nhiên thích hợp nuôi các loài thủy sản như: tôm sú, tôm thẻ, cua, cá biển và nuôi sò huyết.
Cùng với các mô hình nuôi thủy sản truyền thống, khoảng 5 năm nay nhiều hộ nhận khoán đất rừng đẩy mạnh phát triển mô hình nuôi sò huyết mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn từ 2-3 lần so với trước đây. Huyện hiện có hơn 5.000 ha nuôi sò huyết, bao gồm cả diện tích trong rừng phòng hộ ven biển. Năm 2023, sản lượng thủy sản ở khu vực rừng phòng hộ hơn 50.000 tấn, sò huyết trên 16.000 tấn.
“Bên cạnh mang lại lợi nhuận từ 50-60 triệu đồng/ha, các mô hình nuôi thủy sản dưới tán rừng phòng hộ, nhất là nuôi sò huyết còn tạo việc làm cho hàng trăm người dân ở địa phương với nguồn thu nhập ổn định từ 8 – 9 triệu đồng/tháng. Đặc biệt là người dân đã thấy được lợi ích, hiệu quả của việc bảo vệ rừng kết hợp với nuôi trồng thủy sản, góp phần cùng địa phương bảo vệ rừng phòng hộ”, ông Tú cho biết thêm.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang, năm 2011 tỉnh ban hành quy định về trồng, bảo vệ rừng và sử dụng rừng phòng hộ ven biển và đến nay đã giao khoán cho hơn 1.900 hộ dân thực hiện trồng rừng và khai thác diện tích mặt nước nuôi thủy sản.
Rừng phòng hộ ven biển xã Lình Huỳnh (huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang).
Thời gian đầu một số hộ dân nhận giao khoán đất rừng chưa ý thức nhiều trong bảo vệ rừng. Sau đó, nhờ các ngành liên quan và chính quyền địa phương, đặc biệt là cán bộ kiểm lâm, ban quản lý rừng đẩy mạnh tuyên truyền giúp người dân nắm rõ tầm quan trọng của việc bảo vệ rừng. Cùng đó, một số mô hình nuôi trồng thủy sản, nuôi dê cũng được tổ chức nhân rộng để giúp tăng thu nhập, ổn định đời sống cho người dân.
Ông Lê Hữu Toàn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang cho biết, việc quản lý rừng thời gian qua được triển khai tích cực, hạn chế các đối tượng lâm tặc và một số người dân chặt phá rừng làm củi, đốt than. Các mô hình kinh tế dưới tán rừng phòng hộ thực sự phát huy hiệu quả, giúp cải thiện sinh kế cho người dân, nhất là đối với hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số ven biển.
“Để phát triển bền vững mô hình thủy sản dưới tán rừng, tỉnh tập trung tuyên truyền, vận động người dân tham gia vào các tổ hợp tác, hợp tác xã để liên kết sản xuất để tạo đầu ra ổn định; quan tâm đầu tư, triển khai những chương trình, dự án hỗ trợ người dân tham gia, tiếp cận các tiến bộ khoa học, kỹ thuật mới vào sản xuất và nuôi trồng thủy sản, kết hợp phát triển du lịch sinh thái dưới tán rừng.
Cùng đó, ngành nông nghiệp tỉnh tăng cường chỉ đạo các đơn vị trực thuộc làm tốt quan trắc môi trường, kiểm tra chất lượng nguồn nước, con giống đảm bảo cho sản xuất, nuôi trồng thủy sản của người dân”, ông Toàn nhấn mạnh.