Lão nông Bùi Tấn Thịnh (63 tuổi, ngụ ở khu vực IV, phường IV, TP. Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang) – người đầu tiên thực hiện thành công mô hình nuôi lươn đồng trong can nhựa cho biết, ông có “tuyệt chiêu” chăm sóc lươn đồng (loại nhỏ) bị chích điện sau khi mua về để làm lươn giống.
“Thông thường, lươn đồng loại con nhỏ bị chích điện, sức khỏe rất yếu ớt, nếu không chăm sóc đúng cách, nó sẽ bị chết nhanh sau đó chứ đừng nói đến việc dưỡng cho nó nhanh lớn để bán” – ông Thịnh nói.
Theo ông Thịnh, ở địa phương ông đang sống, lươn đồng chỉ bắt được bằng cách chích điện, đặt trúm và đặt đú. Trong đó, đặt trúm bằng thuốc sẽ khiến lươn chết nhanh không cứu được, còn đặt lú thì số lượng lươn bắt được rất ít. Do đó, ông Thịnh đã nghĩ ra được cách dưỡng, nuôi lươn bị chích điện sống khỏe và mau lớn để xuất bán.
“Sau khi mua lươn bị chích điện từ người dân địa phương về, tôi dùng thuốc do tui “tự chế” để dã điện trong người con lươn. Sau đó, dùng 1 số dưỡng chất khác cho lươn uống khi nó chưa thể ăn thức ăn được. Sau 1 thời gian dưỡng, tôi sẽ đem thả trong can nhựa rồi đem can nhựa này đặt xuống sông trước nhà để nuôi” – ông Thịnh chia sẻ.
Theo phóng viên tìm hiểu, trong quá trình dưỡng lươn đồng bị chích điện, ông Thịnh để lươn sống trong thùng nhựa (có chứa ít nước) được đặt cạnh ngôi nhà ông đang ở. Loại nước này trước đó đã được lắng, lọc qua nhiều công đoạn.
Khi lươn có đủ sức khoẻ, ông Thịnh cho vào chiếc can nhựa (loại 30 lít) đã được đục lỗ xung quanh. Sau đó, ông đặt các can nhựa có lươn xuống dưới sông nuôi. Được biết, trung bình 1 can nhựa sẽ nuôi được khoảng 1kg lươn giống.
Ông Thịnh còn thiết kế một túi vải được cố định ở nắp can, xung quanh có khoét nhiều lỗ để cho thức ăn vào đó, khi đói lươn sẽ tự động rỉa thức ăn trong túi, tiết kiệm được lượng thức ăn bị trôi ra bên ngoài.
Với cách nuôi trên, khoảng 8 tháng là có thể thu hoạch (lúc này, con lươn đạt trọng lượng từ 300-400gram). “Với cách nuôi này người nuôi không cần phải thay nước cho lươn nên đỡ tốn công chăm sóc, đỡ tốn thức ăn và thân thiện với môi trường” – Ông Thịnh cho hay.
Hiện ông Thịnh đang nuôi lươn trong hàng chục can nhựa, với giá bán trung bình 220.000 đồng/kg, ông thu lãi được hàng chục triệu đồng/vụ nuôi.