Thông tin này được Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Yên Ngô Quốc Hưng cho biết tại Hội nghị kết nối, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm vải thiều sớm năm 2024, ngày 27/5.
Năm 2024, diện tích vải thiều của huyện đạt 1.420 ha, sản lượng ước khoảng 15.500 tấn; thời gian thu hoạch từ ngày 22/5 đến ngày 20/6. Ngoài duy trì 900 ha vải thiều sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm, huyện Tân Yên còn mở rộng thêm 2 vùng sản xuất vải thiều sớm đạt tiêu chuẩn GlobalGAP với diện tích 21,6 ha để phục vụ xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Mỹ, EU. Dự kiến sản lượng vải thiều đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP khoảng 5.550 tấn.
Cùng với đó, UBND huyện chỉ đạo phòng chuyên môn quản lý, kiểm soát, giám sát chặt chẽ 27 mã vùng trồng vải thiều phục vụ xuất khẩu sang thị trường: Trung Quốc, Nhật Bản, Úc, Mỹ, Thái Lan… Hiện đã có nhiều doanh nghiệp đăng ký thu mua để xuất khẩu. Đặc biệt, hàng nghìn lượt người đến tham quan, trải nghiệm vùng vải sớm.
Các đại biểu chứng kiến đại diện doanh nghiệp, HTX ký Biên bản ghi nhớ tiêu thụ vải thiều sớm Tân Yên. Ảnh: Phương Thảo
Tại xã Phúc Hòa – thủ phủ vài thiều của huyện Tân Yên, địa phương quy hoạch vùng sản xuất vải ứng dụng công nghệ cao tại các thôn: Quất Du 1, Quất Du 2, Lân Thịnh, Thái Hòa, Phúc Lễ. Năm nay, sản lượng vải toàn xã đạt khoảng 10.000 tấn.
Theo người dân, giá bán đầu mùa khá cao, bà con thu hái đến đâu tiêu thụ hết đến đó. Nhiều năm nay, cơ quan chuyên môn của huyện, xã hướng dẫn bà con các vùng trồng tổ chức sản xuất vải sớm theo mô hình HTX, tổ hợp tác để áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng đủ tiêu chuẩn xuất khẩu.
Toàn xã Phúc Hòa có 20 mã vùng trồng xuất khẩu với hàng trăm hộ tham gia. Các khâu từ sản xuất, bảo quản, vận chuyển đến tiêu thụ đều được kiểm soát chặt chẽ. Các vùng trồng áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc (mã số, mã vạch gắn với thông tin tra cứu về nguồn gốc sản phẩm) để khách hàng dễ nhận diện và truy xuất nguồn gốc vải thiều. Năm nay, xã cũng bố trí khoảng 15 – 20 điểm cân cho các thương nhân đến thu mua vải.
Năm 2024, dự kiến sản lượng vải thiều huyện Tân Yên (Bắc Giang) đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP khoảng 5.550 tấn, xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Mỹ, EU. Ảnh: Khương Lực
Lần đầu tiên xuất khẩu vải thiều sang thị trường châu Âu, anh Hoàng Văn Sơn, thôn Quất Du 1, xã Phúc Hòa (Tân Yên) cho biết, mấy ngày qua giá bán vải trên thị trường cao hơn giá trong hợp đồng, có thời điểm vải đẹp lên tới 50.000 đồng/kg song xác định hợp tác lâu dài nên tôi không bán phá giá, giữ đúng thỏa thuận cung cấp vải chất lượng cho doanh nghiệp xuất khẩu.
Hiện, anh Sơn đã ký thỏa thuận với doanh nghiệp cung ứng vải sớm xuất khẩu sang châu Âu với giá ổn định tại vườn là 35.000 đồng/kg, cao hơn 20% so với những năm trước, thời gian thực hiện trong 5 năm (2024-2028).
Để phục vụ xuất khẩu vải thiều được thuận lợi, đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn, trong tháng 5, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Bắc Giang đã lấy ngẫu nhiên 17 mẫu quả vải tươi ở một số vùng trồng gửi xét nghiệm, kết quả đều bảo đảm chất lượng xuất khẩu.
Ông Lê Bá Thành, Phó Giám đốc Sở NNPTNT Bắc Giang cho biết, từ giữa tháng 5 đến nay, người trồng vải trong tỉnh đã bán hơn 200 tấn vải thiều. Việc tiêu thụ khá thuận lợi, doanh nghiệp đã xuất khẩu vải thiều vào một số thị trường khó tính. Thời gian qua, ngành nông nghiệp đặc biệt coi trọng công tác quản lý, hướng dẫn nông dân áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để vải thiều bảo đảm tiêu chuẩn xuất khẩu.
Vụ vải thiều 2024, tổng diện tích vải thiều toàn tỉnh Bắc Giang là 29.700 ha, sản lượng ước đạt 100.000 tấn (trong đó vải sớm 50.000 tấn, còn lại là vải chính vụ). Trước khi bước vào vụ vải thiều năm 2024, nhiều doanh nghiệp đã đến khảo sát, ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với các HTX, nhà vườn.