Bệnh hại tràn lan, nơm nớp lo mất mùa
Thời gian qua, thời tiết ở khu vực Tây Nguyên rất thất thường, sau thời gian nắng nóng kéo dài, bước vào giai đoạn chuyển mùa, biên độ nhiệt ngày đêm dao động khá lớn, là điều kiện thuận lợi cho rệp sáp phát sinh và gây hại trên cây cà phê.
Ông Hoàng Văn Hùng (ở xã Ea Kly, huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk) có 3ha cà phê. Từ đầu năm, khi cà phê ra hoa vườn cây của gia đình ông bắt đầu xuất hiện tình trạng rệp sáp. Để hạn chế bệnh lây lan, ông đã dùng vòi nước để rửa trôi rệp sáp bám trên cây, sau đó kết hợp dùng các loại thuốc bảo vệ thực vật dưới dạng phun và rải dưới gốc để phòng ngừa nhưng hiệu quả thấp.
“Giờ cả vườn cà phê đều bị rệp sáp tấn công, nhiều cây cà phê bị vàng lá, khô quả và khô cành. Năm nay chắc chắn là thất thu rồi”, ông Hùng than vãn.
Ông Tạ Văn Bền (ở xã Ia Dêr, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) trồng 2ha cà phê cho biết, nắng hạn kéo dài khiến cà phê đuối sức, đã tạo điều kiện cho rệp sáp bùng phát mạnh. Cây cà phê bị rệp sáp chích hút khiến lá úa vàng, chùm quả bị khô dần. Ông Bền đang rất lo lắng, với tình hình hiện nay vườn cây sẽ mất mùa nghiêm trọng.
“Rệp sáp cả vườn thế này không biết tới mùa còn được mấy quả mà hái. Mình cũng áp dụng nhiều cách rồi, mà sao không thấy hiệu quả gì cả”, ông Bền nói.
Ông Đỗ Xuân Hiền, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai cho biết, toàn huyện có hơn 18.000ha cà phê trong thời kỳ kinh doanh. Thời điểm tháng 3 mới có hơn 200ha bị nhiễm rệp sáp, đến nay con số nhiễm đã tăng lên hơn 500ha.
Sở NNPTNT tỉnh Gia Lai thống kê, toàn tỉnh hiện có gần 5.000ha cà phê bị nhiễm bệnh rệp sáp, trong đó nhiều diện tích bị nhiễm nặng, rất khó phục hồi.
Tình trạng rệp sáp gây hại với diện tích ngày càng gia tăng đang khiến người trồng cà phê tại tỉnh Gia Lai lo lắng. Nhất là trong bối cảnh giá cà phê năm nay đang ở mức rất cao (hơn 115.000 đồng/kg vào thời điểm sáng ngày 26/5) càng khiến nông dân thêm xót xa khi chứng kiến rệp sáp gây hại.
Căng sức phòng trừ, tránh bùng phát gây hại diện rộng
Gia đình anh Trần Văn Thanh (ở xã Đắk Sôr, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông) có hơn 1ha cà phê cũng đang bị rệp sáp gây hại 50% diện tích. Giá cà phê đang ở mức rất cao, anh Thanh đã đi nhiều nơi, hỏi nhiều người để tìm cách khắc phục. Thông qua hướng dẫn của cán bộ bảo vệ thực vật địa phương, anh Thanh đang sử dụng một số biện pháp để trừ rệp sáp cho vườn của mình và bước đầu cho thấy tác dụng.
“Nhờ cán bộ bảo vệ thực vật hướng dẫn, dựa vào vòng đời của rệp sáp để diệt trừ, cứ sau từ 5 – 7 ngày rệp đẻ trứng thì xuất hiện rệp con. Canh thời điểm, mình phun thuốc vào đúng thời điểm này để ngăn ngừa tái xuất hiện rệp sáp tấn công vườn cây. Nay thấy vườn cũng đã giảm bớt rồi. Hy vọng không ảnh hưởng quá lớn đến năng suất”, anh Thanh chia sẻ.
Ông Trần Xuân Khải, Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Gia Lai cho biết, rệp sáp là loài địch hại phổ biến trên cây cà phê, thường xuất hiện từ thời điểm cây nở hoa đến hết mùa thu hoạch, có thể gây thiệt hại lớn cho vườn cây.
Nhằm hỗ trợ nông dân phòng trừ rệp sáp, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Gia Lai đã đề nghị các địa phương, doanh nghiệp, nông trường trồng cà phê hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp như: Vệ sinh vườn cây, cắt tỉa cành bị sâu bệnh, chồi vượt, cành tăm, cành vô hiệu trong tán và cành sát mặt đất để vườn cà phê thông thoáng, giảm thiểu sự lây lan của rệp.
“Chúng tôi đang tăng cường cử cán bộ đi kiểm tra vườn cây, hỗ trợ người dân thực hiện đồng bộ các biện pháp để phòng trừ bệnh rệp sáp. Đối với những diện tích bị nặng thì khuyến cáo người dân cắt bỏ, thu gom và tiêu hủy”, ông Trần Xuân Khải cho biết.
Đứng trước tình hình rệp sáp diễn biến phức tạp, ngành bảo vệ thực vật tại tỉnh Đắk Lắk cũng đang căng sức phòng trừ. Đội ngũ cán bộ bảo vệ thực vật toàn tỉnh thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn cho bà con nông dân để phòng trừ rệp sáp, tránh dịch hại bùng phát gây ảnh hưởng đến ngành cà phê.
Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đắk Lắk cũng khuyến cáo, người dân cần thường xuyên kiểm tra vườn cây. Cùng với đó, tiến hành xử lý vệ sinh vườn kết hợp tỉa cành, tạo tán kịp thời.
Bên cạnh đó, khi phòng trừ rệp sáp bằng biện pháp sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học thì chỉ phun thuốc khi vườn bảo đảm độ ẩm cho cây và theo nguyên tắc “bốn đúng” (đúng thuốc; đúng liều lượng, nồng độ; đúng lúc; đúng phương pháp). Để tăng hiệu quả cao hơn, người dân có thể dùng vòi nước với áp suất cao xịt mạnh làm tơ trắng bong ra, sau đó mới dùng thuốc.