Vụ cháy nhà trọ ở Trung Kính (Hà Nội) khiến 14 người tử vong tiếp tục gióng lên hồi chuông cảnh báo các vụ cháy liên quan đến nhà trọ, chung cư mini không đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy.
Khó phát hiện nguy cơ cháy nổ nếu không có chuyên môn
Vụ hỏa hoạn xảy ra tại nhà trọ phố Trung Kính rạng sáng nay (24/5) đã làm 14 người tử vong, 3 người bị thương.
Ngôi nhà xảy ra vụ cháy nằm trong ngõ sâu khu dân cư đông đúc, rộng khoảng 150m2 trên tổng diện tích đất xây dựng là 205m2, gồm một nhà 2 tầng, 1 tum bố trí sân phơi thoáng. Đối diện là một dãy nhà 3 tầng, mỗi tầng 4 phòng, hành lang hở phía trước. Ở giữa là khu vực sân chung khoảng 55m2.
Khu vực sân trống là nơi để xe máy, xe đạp, xe đạp điện. Ngôi nhà đã được trang bị bình chữa cháy, bố trí tại sân và hành lang các tầng.
Gia đình chủ nhà có 7 thành viên và có 17 người đăng ký thuê để ở/tổng số 12 phòng (10 phòng cho thuê và 2 phòng chủ nhà ở).
Trao đổi với PV. VietNamNet, ông Lê Văn Thịnh, cựu Trưởng phòng Quản lý chất lượng công trình xây dựng 1, Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) cho rằng, đây là vấn đề mà Hà Nội gặp phải thời gian qua, vẫn chưa khắc phục được. Đó là việc xảy ra nhiều vụ cháy liên quan đến nhà trọ, chung cư mini do không đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy (PCCC).
Cách đây khoảng 9 tháng, Hà Nội đã xảy ra vụ cháy chung cư mini ở phố Khương Hạ (quận Thanh Xuân) làm 56 người chết vụ. Đó đều là những vụ cháy rất thương tâm.
Trên thực tế, Hà Nội đã tổng kiểm tra, rà soát các cơ sở, nhà ở nhiều căn hộ, nhà cho thuê trọ trên địa bàn thành phố, nhưng ở một số công trình người dân thực hiện còn mang tính hình thức, đối phó.
Ông Thịnh cho rằng, cảnh báo về PCCC cần triển khai tới mọi nhà, mọi người dân chứ không chỉ nhà trọ hay chung cư mini.
Dù nguyên nhân vụ cháy nhà trọ rạng sáng nay đang được điều tra, làm rõ, nhưng từ góc nhìn chuyên gia, ông Thịnh cảnh báo: Không chỉ về lối thoát hiểm là vấn đề cần quan tâm, mà hệ thống điện trong nhà ở không đảm bảo an toàn PCCC cũng là nguyên nhân khiến nhiều vụ cháy xảy ra.
Việc chuyển đổi từ bếp ga sang sử dụng bếp điện khá phổ biến hiện nay, theo ông Thịnh, cũng là nguy cơ dễ phát sinh cháy nổ cao, nhưng nhiều gia đình lại chưa quan tâm để ý.
“Tại nhiều công trình nhà ở được xây dựng từ lâu, điện trong nhà là điện chiếu sáng, sử dụng dây điện đường kính nhỏ 2-2,5mm… Trong khi từ điều hoà, bình nóng lạnh, hệ thống bếp điện, tủ lạnh, thang máy… là điện động lực, dây điện đường kính phải từ 4mm. Người dân có thể không để ý vấn đề này, chỉ nghĩ đơn thuần cắm vào ổ có điện là được, dẫn đến quá tải về đường dây gây ra cháy về điện rất nguy hiểm.
Đây là nguy cơ hiện hữu, khi người có chuyên môn kiểm tra mới thấy được các vấn đề không đảm bảo an toàn cháy nổ ngay từ đường điện để có phương án điều chỉnh phù hợp”, ông Thịnh phân tích.
Chuyên gia khuyến cáo, để đảm bảo an toàn cho chính mình, nên thuê người có chuyên môn đến kiểm tra, đề xuất các giải pháp để đảm bảo an toàn. Không phải ai cũng am hiểu về chuyên môn nên không thể nhìn ra được.
Đóng cửa nếu vi phạm nghiêm trọng quy định PCCC
Sau vụ cháy chung cư mini ở phố Khương Hạ làm 56 người chết (12/9/2023), Hà Nội đã tổng kiểm tra, rà soát các cơ sở, nhà ở nhiều căn hộ, nhà cho thuê trọ trên địa bàn thành phố.
Theo UBND TP. Hà Nội, qua rà soát thống kê, tính đến tháng 10/2023, trên địa bàn thành phố có 2.980 cơ sở không bảo đảm yêu cầu về PCCC được đưa vào hoạt động trước khi Luật PCCC năm 2001 có hiệu lực.
Năm 2023, thành phố mới có 66/2.980 cơ sở hoàn thành việc khắc phục các tồn tại về PCCC, đạt 7,3% chỉ tiêu được giao là hoàn thành ít nhất 30%.
Luật sư Nguyễn Hữu Toại, Giám đốc Công ty Luật TNHH Hừng Đông, đặt vấn đề, khi thực hiện tổng kiểm tra, rà soát và phát hiện ra các vấn đề tại các công trình như vậy, Hà Nội đã thực hiện các biện pháp ra sao khi hoả hoạn tiếp tục xảy ra, gây hậu quả thương tâm khiến 14 người thiệt mạng?
“Khi hậu quả xảy ra mới quay lại câu chuyện trách nhiệm, quản lý nhưng phải thấy rằng đây là vấn đề mang tính nguy cơ thường trực. Vấn đề đặt ra ở đây là cần quyết liệt trong vấn đề thực thi. Đã kiểm tra, đã phát hiện vấn đề không đảm bảo yêu cầu về PCCC thì giải pháp đưa ra như thế nào? Phạt cho tồn tại hay yêu cầu đóng cửa phải gắn với việc thực thi phải quyết liệt”, luật sư Toại nhấn mạnh.
Ông cho rằng, Hà Nội cần đưa ra mốc thời gian cụ thể đối với các công trình. Nếu không khắc phục được thì yêu cầu đóng cửa, không thể để cho thuê, cho tồn tại khi vi phạm nghiêm trọng các quy định về PCCC.
“Một lần nữa, câu chuyện về trách nhiệm quản lý của các đơn vị, cán bộ địa bàn, cấp chính quyền,… cần nêu rõ và xử lý vi phạm (nếu có) theo quy định của pháp luật”, vị luật sư nói.
Trong khi đó, ông Lê Văn Thịnh cho rằng, về quản lý nhà ở hiện nay, cần trả lời cụ thể các câu hỏi: Chủ nhà xây có thiết kế không? Nếu chủ nhà có thuê thiết kế thì thiết kế có tuân thủ quy định về PCCC không? Việc thi công có theo đúng thiết kế không? Khai thác vận hành sử dụng có tuân thủ theo thiết kế không?
“Tất cả đều có quy định, quy trình rất rõ ràng. Trả lời từng câu hỏi sẽ sáng tỏ nhiều vấn đề, trong đó có trách nhiệm của các cơ quan quản lý về PCCC, cho thuê phòng trọ, nhà trọ” – ông Thịnh nói.