Sống bất an trong khu tập thể cũ có thể sập bất cứ lúc nào

Khu tập thể cũ 5 tầng G6A, G6B Thành Công (phường Thành Công, quận Ba Đình, Hà Nội) đang xuống cấp nghiêm trọng ở cấp độ D, có thể sập bất cứ lúc nào.

Các cấp chính quyền địa phương từ nhiều năm nay đã đối thoại, vận động các hộ dân tại đây di dời để đảm bảo an toàn, nhưng mới chỉ có 28/49 hộ dân chấp nhận chuyển đi.

Quan sát từ ngoài đường Nguyên Hồng, 2 bức tường 2 khu tập thể này đã tách rời nhau gần 1 m do nghiêng, sụt lún… và hàng rào tôn đã được chính quyền dựng lên, quây kín quanh khu nhà để đảm bảo an toàn từ hơn một năm nay. Biển thông báo khu vực nhà nguy hiểm cấp độ D, đề nghị người dân hạn chế đi lại, được treo tại nhiều vị trí trong khu tập thể để cảnh báo.

Video cận cảnh Khu tập thể cũ Thành Công xuống cấp mức độ nguy hiểm cấp D:

Theo ghi nhận của phóng viên, các hộ dân đã chuyển đi nơi khác ở, bỏ lại đồ đạc như bãi rác phế thải bừa bãi, nhếch nhác, hoang tàn… khắp hành lang, cầu thang chung của tòa nhà. Tất cả hệ thống tường, trần, dây điện, cáp viễn thông… đều đã bong tróc, mục nát, rêu phong, xuống cấp nghiêm trọng. Thậm chí, gạch vữa trần tường còn rơi từng mảng xuống sàn, khu vực sân chung biến thành nơi tập kết rác thải các loại, gây ô nhiễm môi trường.

Chú thích ảnh
Cận cảnh tòa nhà khu tập thể G6A nguy hiểm cấp độ D sau hàng rào tôn.
Chú thích ảnh
UBND phường Thành Công treo biển cảnh báo khu vực nhà nguy hiểm cấp độ D xung quanh hàng rào tôn quây tòa nhà G6A.
Chú thích ảnh
Biển thông báo cảnh báo các hộ dân hạn chế đi lại trong khu vực và không tự tháo dỡ phần cơi nới trái phép làm ảnh hưởng đến kết cấu toà nhà.
Chú thích ảnh
Lối vào nhà các hộ dân đóng im ỉm sau hàng rào tôn quây kín.
Chú thích ảnh
Giấy thông báo ngừng cấp điện được ngành Điện địa phương dán trước cửa nhà hộ dân trong khu tập thể từ 3 tháng nay.
Chú thích ảnh
Bảng thông báo nguy hiểm được gắn tại vị trí dễ trông thấy nhất để cảnh báo tới cư dân khu tập thể.

Trao đổi với phóng viên, đại diện các hộ dân chưa đồng thuận di dời cho biết, mức đền bù tái định cư của quận, phường chưa thoả đáng. Người dân không công nhận kết quả kiểm định nhà nguy hiểm cấp độ D, muốn thoả thuận rõ ràng quyền lợi với chủ đầu tư xây dựng chung cư mới về diện tích, thời gian nhận căn hộ mới…

Chị N.T.H, sống tại căn hộ tầng 1 tòa nhà G6A chia sẻ, gia đình chị đồng tình với chủ trương của thành phố về cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ, song vẫn băn khoăn về phương án xây dựng nhà tái định cư cho các hộ dân, nhất là chất lượng nhà tái định cư. Gia đình chị chưa chuyển đi vì muốn gặp chủ đầu tư để nghe cam kết quyền lợi thỏa đáng, lộ trình tiến độ xây dựng lại tòa nhà, hệ số bồi thường, diện tích tái định cư sau khi xây dựng đúng theo các quy định của pháp luật, để gia đình còn chủ động sắp xếp kế hoạch công việc…

Chú thích ảnh
Khu vực lối ra vào cầu thang khu tập thể qua thời gian đã xuống cấp, được các hộ dân thay đổi hết công năng sử dụng.
Chú thích ảnh
Trần, tường, cầu thang các tầng khu tập thể đã bong tróc, rêu phong, ẩm mốc… từ nhiều năm qua do nhiều hộ dân đã chuyển đi, bỏ hoang phế.
Chú thích ảnh
Khu vực sàn nghỉ cầu thang khu tập thể thành nơi tập kế đồ đạc phế thải của các hộ dân đã chuyển đi nơi khác bỏ lại…
Chú thích ảnh
… thậm chí, bãi rác “đồ đạc” bỏ lại này còn lấp hết lối đi, cửa ra vào nhà các hộ dân.
Chú thích ảnh
Lối cầu thang lên xuống trong khu tập thể vẫn còn “lối đi riêng” cho các hộ vẫn trụ lại chưa dời đi.
Chú thích ảnh
Khu vực cửa ra vào của căn hộ chuyển đi biến thành chạn bếp nhếch nhác của căn hộ còn trụ lại. 

Theo rà soát của UBND quận Ba Đình, cùng với Khu tập thể G6A, G6B, các khu G22, G23, G24 liền kề cũng đang trong tình trạng xuống cấp. Các khu tập thể này nằm trong kế hoạch xây dựng thành chung cư tái định cư, công trình thương mại dịch vụ, trường mầm non, vườn hoa… với tổng diện tích đất nghiên cứu hơn 20.200 m2, tái định cư cho 218 căn hộ, 771 nhân khẩu, trên cơ sở hài hòa lợi ích của người dân, chính quyền và nhà đầu tư.

 

Về lộ trình xây dựng mới khu tập thể G6A, G6B, theo thông báo của UBND quận Ba Đình, nếu phương án tổng mặt bằng được thành phố phê duyệt, sẽ lựa chọn nhà đầu tư trong năm 2024. Nếu đợi quy hoạch chi tiết toàn khu được phê duyệt thì sẽ kéo dài thêm 6 – 12 tháng.

Nghị định 69/2021/NĐ-CP của Chính phủ về cải tạo nhà chung cư cũ, quy định phải lập, phê duyệt quy hoạch, thành phố ban hành tiêu chí chọn nhà đầu tư, quận tổ chức hội nghị nhà chung cư, sau đó người dân mới lựa chọn. Việc lựa chọn nhà đầu tư sẽ được chính quyền địa phương công khai thông qua tỷ lệ phiếu do các hộ dân tự quyết định tại hội nghị nhà chung cư.

Chú thích ảnh
Những bức tường rêu phong, ẩm mốc, gạch vữa rơi lỗ chỗ theo thời gian…  
Chú thích ảnh
Khu vực sân chờ trong khu tập thể biến thành nơi chứa rác thải đủ loại, gây ô nhiễm môi trường.
Chú thích ảnh
Từ tầng 1 –  tầng 5 khu tập thể đều được các căn hộ cơi nới “chuồng cọp”, nhà trên vươn sàn bê tông tự chế ra dài hơn nhà dưới hàng mét, đều bám trụ vào bức tường chịu lực chung của khu tập thể…
Chú thích ảnh
… khiến nền móng 2 bức tường 2 khu tập thể theo thời gian không chịu nổi lực đã tách hẳn thành khe “co giãn” rộng tới cả mét do sụt lún.
Chú thích ảnh
Nhìn khe hở giữa 2 bức tường 2 tòa nhà tách rộng cả mét này từ ngoài đường, mới thấy sự nguy hiểm trực chờ bởi sự xuống cấp nghiêm trọng của khu tập thể.
Chú thích ảnh
Cảnh rêu phong, cây dại mọc trên tường mục nát của khu tập thể qua thời gian. 

Qua tìm hiểu, TP Hà Nội hiện có 15 khu tập thể cũ thuộc diện nguy hiểm cấp độ D phải phá dỡ, xây dựng lại để tái định cư, đảm bảo an toàn. Đến nay, thành phố đã phá dỡ xây dựng xong 9 khu nhà, 5 khu nhà đã hoàn tất việc di dời, chỉ còn duy nhất tòa nhà G6A Thành Công chưa thực hiện xong công việc này. Hiện, các khu tập thể cũ của quận Ba Đình đang ở giai đoạn lập quy hoạch chi tiết, đo đạc, khảo sát, lấy chỉ giới đường đỏ, số liệu kỹ thuật và dữ liệu hiện trạng…

Thống kê đến năm 2020, TP Hà Nội có hơn 1.500 nhà chung cư cũ được xây dựng từ 50 năm trước. Trong đó, có gần 1.300 nhà thuộc 76 khu chung cư; 306 chung cư cũ độc lập, được xây dựng từ những năm 1960-1994 và trước năm 1954. Thành phố bắt đầu cải tạo các khu chung cư cũ từ năm 2005. Do một số bất cập và sự thay đổi chính sách, đến nay mới có 19 dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ hoàn thành (chiếm 1,2% tổng số nhà ở chung cư cũ) và 14 dự án đang triển khai.