Nhân chuyến về thăm quê nội tại thị trấn Nam Đàn (huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An) chúng tôi có dịp đi dạo khu chợ Sa Nam rất thú vị bởi đây là ngôi chợ xưa cũ, nhưng nhờ nằm ở trung tâm thị trấn nên cảnh buôn bán, giao thương khá nhộn nhịp cả một vùng.
Dừng chân trước chợ Sa Nam vào những ngày lập Thu, mới cảm thấy hết những nét văn hóa “dân dã” của người dân xứ Nghệ trong cảnh mua bán ở chợ quê truyền thống. Từ ngoài đường, quang cảnh đã nhộn nhịp với chỗ nầy bán hoa tươi như: hoa cúc, hoa vạn thọ…, chỗ kia bán hoa nhựa, hoa vải…, rất đa dạng và phong phú nhiều màu sắc. Bên dưới những cây dù to treo những bộ áo quần trẻ em nhiều màu lay động trước gió; những em bé tròn mắt ngắm nghía những chùm bong bóng nhiều màu sắc hoặc khi mẹ chọn mua quần áo mới chuẩn bị đến trường vào năm học mới.
Cũng như bao ngôi chợ truyền thống của xứ Nghệ khác, cổng vào chợ Sa Nam với bảng tên khá to mang dòng chữ “Chợ Sa Nam- kính chào quý khách” đã làm chúng tôi rất vui như có người vẫy tay chào đón đoàn du khách xứ Quảng ra tham quan ngôi chợ. Hai bên cổng là các quầy hàng bán tạp hóa và các mặt hàng chuyên dụng khác như soong nồi, đồ nhôm nhựa, áo quần may sẵn, giày dép…
Trên lề đường trước hai bên cổng chợ là các chị, các mẹ bán rau, củ quả, trong đó có bán những rổ quả trám đen mà chúng tôi mới thấy lần đầu. Ngoài ra, nơi đây cũng bày bán các loại cá đồng như lươn, ếch, cá leo, cá con…và nhiều loài cá sinh sống ở sông Lam rất lạ mà chúng tôi mới “chộ” lần đầu.
Sau khi đi xem cảnh quan ngoài chợ, chúng tôi thong thả bước vào cổng chợ, cảnh quang nơi đây không được sáng như bên ngoài nhưng cũng thấy được đa dạng các quầy hàng bày bán các loại nông sản, thực phẩm, hàng tiêu dùng, sách vở, giày dép, các loại bánh kẹo, tương Nam Đàn…
Ngoài ra, còn có những mặt hàng dành cho người nông dân như rựa liềm, các loại dao, cày, cuốc, nơm, thúng, mủng… cho đến những hàng gia dụng như quạt điện, nồi nhôm, bát đũa, quần áo, giày dép và cả sách vở học sinh và những sản phẩm của các làng nghề truyền thống của xứ Nghệ như nồi đất, chổi đót, chiếu, nón lá, mây tre đan, gà lợn…
Trong chợ, có khu vực bày bán các loại cá biển và các sản phẩm từ cá biển như cá thu, cá nục, cá trích hấp, cá nướng, cá muối… rất đa dạng đã làm níu chân bao du khách. Đi đến đâu cũng được mọi người chào đón, hỏi thăm vui vẻ dẫu chúng tôi chưa có nhu cầu mua hàng hóa. Đó là cách xã giao thân thiện của người dân Nam Đàn nói riêng và xứ Nghệ nói chung.
Cô Lê Thị Thường (56 tuổi, trú tại thị trấn Nam Đàn) đã có trên 20 năm buôn bán giày dép các loại đưa chúng tôi dạo quanh trong chợ một vòng. Đầu tiên là đến các quầy hàng chuyên bán bánh kẹo nằm bên trái của đường vào chợ. Nơi đây chúng tôi thấy sự đa dạng của các thức quà nông thôn của vùng Nam Đàn và các khu vực phụ cận như bánh chưng, bánh tét, bánh đa, các loại bánh kẹo đóng gói do các công ty, xí nghiệp sản xuất với mẫu mã khá đẹp. Ngoài ra, nơi đây còn bán các thức quà quê đặc sắc như bánh đúc Sa Nam, kẹo lạc Nam Đàn, bánh kê vàng…
Bà Lê Thị Thắng (60 tuổi) có hơn 10 năm bán bánh đúc chợ Sa Nam cho hay, bánh đúc Sa Nam là đặc sản được khoảng 5 người bày bán quanh năm. Để làm nên những chiếc bánh đúc màu trắng, đều và đẹp phải qua nhiều công đoạn như: làm khuôn, xay bột, nấu nấu bột, khuấy bột, đúc bánh… Ngày nay, bà con làm nghề làm bánh đúc quanh chợ Sa Nam không nhiều như trước, nhưng một số gia đình ở đây dẫu vất vả nhưng vẫn gắn bó với nghề truyền thống của mình.
Chị Lê Thị Thắng có trên 10 năm bán bánh đúc Sa Nam.
Ông Lữ Đức Hòa (70 tuổi, trú tại thị trấn Nam Đàn), một người am hiểu về văn hóa ẩm thực cho hay, người dân nơi đây thường truyền tụng câu ca: “Bánh đúc, bánh độ chưa chộ đã sèm” để nói về cái ngon, cái đặc biệt của “bánh đúc Sa Nam”.
Bánh đúc Sa Nam từng là đặc sản, mang đậm chất ẩm thực vùng miền: “Sa Nam trên bến dưới đò / Bánh đúc ba dãy thịt bò mê thiên” để nhắc nhớ về ngôi chợ sầm uất một thời. Ăn bánh đúc chấm với tương Nam Đàn, chấm mắm tôm, hay ăn với hến xào, riêu cua… đều để lại hương vị khó quên. Món bánh đúc Sa Nam giản dị mộc mạc do các chị, các mẹ chế biến được là cả một bầu trời kỉ niệm về ký ức thời ấu thơ của biết bao người dân Nam Đàn trong đó có chúng tôi. Từ món ăn dân dã, được mua bán hằng ngày, được dùng để ăn sáng, ăn nửa buổi, cúng tổ tiên vào dịp lễ Tết…, nên bánh đúc Sa Nam đã trở thành đặc sản của huyện Nam Đàn nói riêng và xứ Nghệ nói chung.
“Hiện nay, dẫu trên thị trường có nhiều thức quà bánh quý giá, mẫu mã đẹp nhưng bánh đúc Sa Nam dân dã vẫn được khách hàng yêu thích như một thứ đặc sản “món ăn vùng miền” bởi bánh đúc Sa Nam ăn giòn, không ngán, hương vị đặc trưng. Vừa qua, chúng tôi mua mấy chục cái bánh đúc Sa Nam về chấm với tương Nam Đàn đãi bà con xứ Quảng thưởng thức với hương vị khó quên, ai ai cũng gật đầu khen ngon…”- Cô Lê Thị Thường có 20 năm buôn bán tại chợ Sa Nam cho hay.
“Chợ Sa Nam nầy là trung tâm buôn bán, giao thương nhộn nhịp cả một vùng. Ngày xưa nơi đây được ví “Sa Nam trên bến dưới đò / Bánh đúc hai dãy thịt bò mê thiên” nức tiếng khu vực Nam Đàn xứ Nghệ. Giờ đây, chợ Sa Nam không còn cảnh nhộn nhịp buôn bán “trên bến, dưới thuyền” như ngày xưa nữa. Hiện nay, nói về chợ Sa Nam vẫn còn lưu truyền câu ca: “Ai đi chợ Sa Nam mà xem thuyền xem bến / Thuyền xưa nay còn nhớ nơi bến cũ sông nhà / Dù thuyền có đi xa biển vẫn chờ vẫn đợi, bến sông nay vẫn đợi…”. Đó là những câu hát dân ca xứ Nghệ nói về một trong những ngôi chợ lâu đời nhất ở thị trấn Nam Đàn (Nghệ An) cho dẫu cuộc sống đã “lên màu” hiện đại nhưng chợ Sa Nam vẫn còn mang dáng dấp ngôi chợ truyền thống quê hương…”- Ông Hòa tâm sự .