Người nuôi thủy sản trắng tay
Về Xuân Thịnh, Sông Cầu những ngày này, đâu đâu cũng nghe tiếng nấc nghẹn, tiếng thở dài buồn bã của ngư dân vì tôm hùm, cá nuôi bị chết hàng loạt.
Xã Xuân Thịnh là địa phương đầu tiên xuất hiện tôm hùm, cá nuôi lồng chết hàng loạt và thiệt hại nặng nhất thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên.
Thống kê chưa đầy đủ cho thấy, chỉ riêng tại xã Xuân Thịnh đã có gần 100 tấn tôm hùm, cá nuôi của 160 hộ dân bị chết, trong đó tôm hùm chiếm hơn 2/3.
Mấy ngày nay, anh Võ Văn Cường ở xã Xuân Thịnh không dám rời mắt khỏi lồng bè vì phải canh tôm hùm ngộp.
Chắt chiu vốn liếng và vay thêm 300 triệu để đầu tư nuôi tôm nhưng chỉ qua vài cơn mưa nắng thất thường, 70-80% lượng tôm hùm trong hơn 20 lồng nuôi của gia đình anh phải đưa vào bờ bán tháo.
“Tôm mới được 0,6-0,7 kg nên bán giá rẻ bèo. Giờ, không còn một đồng vốn, lại thêm khoản vay ngân hàng 300 triệu đồng mà tình hình như này chẳng biết lấy gì để trả”, anh Cường thở dài cho biết.
UBND xã Xuân Thịnh (TX Sông Cầu, tỉnh Phú Yên) triển khai lực lượng thu gom, xử lý xác hải sản chết. Nhiều loại cá biển to bự đã chết hàng loạt. Ảnh: ANH NGỌC.
Cùng chung cảnh ngộ, anh Lê Văn Nguyên (xã Xuân Thịnh) cho biết anh có hơn 10 lồng, bè nuôi tôm hùm.
Dự kiến đến cuối năm xuất bán, tuy nhiên chỉ trong mấy ngày qua đã có hơn 10.000 con tôm hùm chết, số còn lại thì bắt đầu có dấu hiệu ngộp.
“Mang vào bờ một phần để đỡ ô nhiễm, rồi vớt vát chút ít chớ giá cũng chỉ 50.000 đồng/kg”, anh Nguyên than thở.
Không chỉ tôm hùm mà các loại cá biển nuôi lồng bè và tôm, cá tự nhiên ở khu vực vùng nuôi xã Xuân Thịnh, thuộc đầm Cù Mông cũng chết.
Ông Lê Văn Trong ở xã Xuân Thịnh nuôi hơn 15.000 con cá mú.
Đến nay, cá đạt trọng lượng khoảng 1,5-2kg/con và khoảng 25.000 con tôm hùm xanh đạt trọng lượng khoảng 0,3kg/con thì xảy ra tình trạng chết hàng loạt.
Do tôm, cá chết quá nhanh nên gia đình ông không kịp trở tay, đến khi gom lại khi đưa vào bờ đã mất giá, bán được đồng nào hay đồng ấy.
Tập trung hỗ trợ ngư dân
Trước tình hình tôm hùm, cá nuôi ở đầm Cù Mông chết hàng loạt, Sở NN&PTNT tỉnh Phú Yên đã thành lập đoàn công tác gồm các đơn vị chức năng thuộc sở để kiểm tra thực tế và lấy mẫu nước tại các khu vực của vùng nuôi để đưa đi xét nghiệm, tìm nguyên nhân.
Người dân thị xã Sông Cầu (tỉnh Phú Yên) thu gom tôm hùm chết la liệt bất thường. Ảnh: LINH NGUYÊN.
Theo đó, UBND thị xã Sông Cầu chỉ đạo Phòng Kinh tế và các đơn vị liên quan phối hợp với UBND xã Xuân Thịnh kiểm tra thực tế tại các vùng nuôi, thống kê số lượng thiệt hại đối với thủy sản nuôi, hướng dẫn người nuôi mang tất cả xác thủy sản chết vào bờ để xử lý, không vứt bỏ tại các vùng nuôi nhằm tránh tình trạng gây ô nhiễm môi trường.
Đồng thời, vận động người nuôi tổ chức thu hoạch đối với các loại tôm hùm, cá nuôi đạt kích cỡ nhằm giảm thiểu thiệt hại.
Bà Lê Thị Hằng Nga, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Phú Yên cho biết, nguyên nhân ban đầu của việc tôm cá chết hàng loạt là do người dân nuôi trồng thủy sản quá dày đặc làm cho môi trường nước bị ô nhiễm, đồng thời gặp thời tiết nắng nóng kết hợp mưa dông dẫn đến môi trường nước thay đổi đột ngột.
Hiện, thời tiết Phú Yên tiếp tục diễn biến phức tạp, mưa nắng thất thường khiến tôm trong các lồng vẫn đang ngộp và chưa có dấu hiệu dừng lại.
Trước mắt, người dân khẩn trương vớt tôm, cá đưa lên bờ để bán nhằm vớt vát được phần nào hay phần đó.
Trước đó, sáng 20/5, đồng chí Lê Tấn Hổ, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Phú Yên cùng lãnh đạo Sở NN&PTNT, UBND TX Sông Cầu và các cơ quan chức năng đã đến kiểm tra thực tế tình hình tôm hùm, cá nuôi chết hàng loạt tại đầm Cù Mông thuộc xã Xuân Thịnh.
Tại hiện trường, đồng chí Lê Tấn Hổ đã chỉ đạo UBND TX Sông Cầu khẩn trương phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh kiểm tra, lấy mẫu, xác định nguyên nhân gây tôm hùm, cá nuôi chết hàng loạt; đồng thời, yêu cầu địa phương khẩn trương thống kê thiệt hại, có giải pháp hỗ trợ người nuôi tiêu thụ số thủy sản chết có thể tiêu thụ được; hạn chế thấp nhất thiệt hại.