Hợp chất đất, bí đỏ, bí xanh, mướp ra trái trĩu giàn, quả lăn lung lúc khắp nơi
Những ngày này về cánh đồng ở xã Quỳnh Tam, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An ai cũng bị thu hút bởi những giàn bí, mướp đắng treo lủng lẳng quả, hay những luống dưa hấu trái lăn lung lúc khắp nơi.
Đây là khu vực nông dân liên kết với một công ty và hợp tác xã nông nghiệp Quỳnh Tam để trồng bí xanh, bí đỏ, mướp đắng, mướp hương dưa hấu làm giống.
Những hộ dân tham gia chương trình được tập huấn về quy trình từ làm đất, dựng giàn, cho đến chăm sóc cây theo từng giai đoạn. Qúa trình trồng, chăm sóc các loại cây cũng có cán bộ kỹ thuật của công ty giám sát kỹ từng giai đoạn.
Cây bí xanh, bí đỏ, dưa hấu và mướp đắng được trồng trên cánh đồng xã Quỳnh Tam tỏ ra hợp chất đất và được chăm sóc đúng quy trình mà công ty đề ra nên phát triển rất nhanh, cho năng suất cao.
Ông Hoàng Văn Ngọc – Chủ tịch Hội Nông dân xã Quỳnh Tam, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An cho biết: “Đây là mô hình liên kết giữa Công ty và hợp tác xã nông nghiệp Quỳnh Tam với các hộ nông dân trên địa bàn xã để trồng thí điểm các loại quả lấy hạt làm giống. Tổng diện tích sản xuất vụ này là 3,5 ha, phân bổ tại các thôn: 5, 6, 7, 9, 10 trên địa bàn xã Quỳnh Tam”.
Năm nay, bí đỏ dự kiến năng suất đạt khoảng 1 tấn quả/sào. Với năng suất này, các hộ dân trồng bí đỏ sẽ thu về khoảng 10 triệu đồng/sào. Ngoài ra, người dân còn có thể bán vỏ quả bí đỏ cho công ty làm thức ăn cho ốc bươu và có thêm một khoản thu nhập.
Bên cạnh đó, nếu trồng bí xanh thì sẽ đạt từ 16 triệu đồng/sào. Trong khi, nếu trồng mướp đắng và dưa hấu người dân sẽ thu về khoảng 12 triệu đồng/sào. Đối với mướp hương người dân dự kiến sẽ thu về khoảng 14 triệu đến 16 triệu đồng/sào”, ông Hoàng Văn Ngọc cho biết.
Giống cây khỏe năng suất cao nhà nào cũng phấn khởi
Khi liên kết với công ty, các hộ dân được tập huấn kỹ thuật, hỗ trợ về giống, phân bón. Ngoài ra, công ty còn bố trí cán bộ thường xuyên theo dõi sát sao quá trình sinh trưởng và phát triển của các loại cây. Đặc biệt, vào thời điểm cây thụ phấn. Đồng thời, đơn vị này cũng bao tiêu sản phẩm cho người dân.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Quỳnh Tam, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An cho biết thêm, các chân ruộng được lựa chọn canh tác thổ nhưỡng rất tốt. Đây cũng là những chân ruộng cao, tiêu thoát nước tốt, không ngập úng. Mô hình liên kết này mang lại hiệu quả rất cao cho người dân nên ai cũng phấn khởi.
Tham gia mô hình với diện tích 2 sào, ông Tạ Bá Bình (trú tại thôn 6, xã Quỳnh Tam, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An) tỏ ra rất phấn khởi khi năm nay cây bí được mùa. Dự kiến gia đình ông sẽ thu về hơn 20 triệu đồng sau vụ bí đỏ.
Người dân xã Quỳnh Tam, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An thu hoạch bí đỏ để bán cho công ty. Ảnh: N.T
Ông Hồ Văn Đoàn (trú tại xóm 9, xã Quỳnh Tam, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An) trồng với diện tích 2 sào. Điều mà ông Hoàn cũng như các hộ dân ở xã Quỳnh Tam phấn khởi khi tham gia mô hình là sản phẩm sau khi thu hoạch được công ty thu mua hoàn toàn. Người dân không phải lo đầu ra cho sản phẩm.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Quỳnh Tam chia sẻ thêm: “Mô hình liên kết bao tiêu sản phẩm giữa doanh nghiệp và người nông dân được coi là giải pháp tối ưu để bảo đảm phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững.
Các mô hình ban đầu được triển khai trên địa bàn xã Quỳnh Tam mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Những giống cây này rất phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu ở địa phương. Đây là những giống cây khỏe, ít sâu bệnh và dễ chăm bón nhưng người trồng cần áp dụng kỹ thuật sản xuất theo một quy trình khép kín, đảm bảo đúng yêu cầu của công ty từ khâu làm bầu cho đến khi thu hoạch”.
Việc lựa chọn cây trồng phù hợp hiệu quả năng suất cao thay thế cho những cây truyền thống năng suất thấp đã dần mở ra một hướng đi mới cho bà con nông dân xã Quỳnh Tam, mang lại nguồn thu nhập cao, ổn định, góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội ở địa phương.
Trong thời gian tới Hội Nông dân xã và chính quyền địa phương sẽ tiếp tục phối hợp tổ chức các buổi tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho các hộ dân. Tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi một số diện tích vườn tạp để phát triển, nhân rộng mô hình này trên toàn xã.