Bốn năm trước, bà Thu Thủy (58 tuổi) nhận ra không thể vác đất, trộn đất và xách nước lên sân thượng tầng ba trồng rau, dưa như trước nên quyết định chuyển một nửa diện tích sang trồng dưa thủy canh. Thay vì dành thời gian buổi tối bắt sâu, cả sáng tưới nước, bà chỉ mất khoảng hai tiếng cho vườn sân thượng mỗi ngày.
Phương pháp thuỷ canh là trồng cây trên hệ thống nước có dưỡng chất. Nước sẽ tự động dẫn qua hệ thống ống từ máy tưới tới gốc cây, để rễ cây hấp thụ dinh dưỡng giúp nuôi cây phát triển.
“Nhà tôi bán ôtô nên có nhân công là thợ hàn đóng thùng xe. Sắt thừa, sắt vụn tôi nhờ họ làm giúp nhà lưới, trên phủ nilông, hai bên bằng lưới. Mỗi ngày sửa một chút mới hài lòng như bây giờ”, nữ doanh nhân nói.
Vì thích các loại dưa, bà luân phiên trồng quanh năm dưa lưới, dưa lê, dưa Kim Long… Mỗi vụ trồng khoảng 60 chậu. “Dưa trồng theo phương pháp thủy canh tốn chi phí ban đầu, nhưng các vụ sau tiết kiệm, lại mất ít thời gian và công sức”, bà Thu Thủy cho hay.
Vật tư ban đầu được đầu tư khoảng 10 triệu đồng. Ngoài ra, tổng chi phí cho khoảng 60 cây dưa mỗi vụ, gồm dung dịch tưới, phân bón… chưa đầy một triệu đồng. “Trong 60 cây đó, ít nhất tôi thu về 50 quả”, bà nói.
Chủ vườn chỉ để lại mỗi cây một quả, kệ trồng dưa được thiết kế cách mặt sàn khoảng 70 cm, mỗi hàng dưa cách nhau 50 cm, mỗi cây cách nhau 40 cm, giúp gốc thoáng, tiện vệ sinh mặt sàn và vừa tầm với để chăm sóc.
Để có vườn dưa phát triển như bây giờ, chủ vườn không ít lần đau đầu khi sáng thăm vườn cây con khỏe, chiều đã héo rũ, thối gốc hoặc bị rầy rệp, bọ phấn trắng làm chết.
Bà Thu Thủy lên mạng xã hội học thêm kinh nghiệm của những người nhiều năm trồng dưa để biết cách phun phòng rầy, rệp, gọi điện hỏi nhà phân phối giống để được hướng dẫn. “Hóa ra mình chăm cây kỹ quá, phun một lần nhiều lượt nên nó mới chết”, bà nói.
Chọn được quả đẹp nhất giữ lại, chủ vườn sẽ cắt bớt 5-6 lá gốc cho thoáng cây, đồng thời tập trung dinh dưỡng vào quả. “Dưa ăn thơm, ngọt, quả đẹp chẳng khác trồng thổ canh”, bà nói.
Khi quả dưa phát triển mạnh, bà Thu Thủy dùng lưới treo làm giá đỡ để giữ cho cây đứng vững. Mỗi ngày, bà lên sân thượng đo độ PH, kiểm tra dung dịch còn hay hết để bổ sung, cột ngọn cho dưa phát triển theo mong muốn.
Trồng gối đầu các vụ dưa nên quanh năm nhà bà Thu Thủy luôn có dưa ép nước, xay sinh tố và biếu tặng người thân. “Trái non tôi ép nước hoặc xào làm thức ăn”, bà nói.
Vườn dưa là nơi để nữ doanh nhân giải tỏa áp lực trong công việc, vơi bớt những buồn phiền trong cuộc sống. Dịp Tết, lộc hoa trái từ vườn sân thượng được ưu tiên dùng trưng trong nhà, thay vì phải mua bán ở chợ
.